3 doanh nghiệp sẽ được cấp phép thử nghiệm 4G-LTE
Tại buổi tọa đàm “Việt Nam tiến lên 4G như thế nào?” vừa được Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam (Vietnam ICT Press Club) tổ chức vào chiều nay, 21/10, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Quy hoạch, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho hay, Bộ TT&TT dự kiến cấp phép cho 3 doanh nghiệp xin cấp phép thử nghiệm mạng 4G-LTE (Long Term Evolution - công nghệ di động thứ 4). Hiện Cục đang trình Bộ trưởng xem xét cấp phép sau quá trình thẩm định.
Theo ông Trần Tuấn Anh, vì thử nghiệm mạng công nghệ dịch vụ nên các nội dung, quy mô thử nghiệm hạn chế chứ không triển khai cung cấp toàn quốc. Mỗi doanh nghiệp triển khai thử nghiệm tối đa 3 tỉnh, thành phố. Doanh nghiệp sẽ lựa chọn tỉnh thành phố phù hợp hiện trạng hạ tầng viễn thông của mình triển khai công nghệ 4G-LTE để tích hợp băng tần hiện có, thí điểm cung cấp dịch vụ.
Và theo quy hoạch phát triển viễn thông, năm 2016, Bộ TT&TT sẽ xem xét cấp phép triển khai mạng băng rộng di động thế hệ tiếp theo. Bộ cho phép doanh nghiệp triển khai để xem xét khả năng cung cấp dịch vụ 4G trong năm 2016 hoặc năm 2017. Khi được cấp phép, doanh nghiệp phải phát triển một mạng mới cần đủ dung lượng. Điều này phụ thuộc mô hình kinh doanh, cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp.
Về phía mình, Bộ TT&TT quyết định cho phép doanh nghiệp thử nghiệm ở băng tần 1800 MHz, đồng thời thử nghiệm trên cả băng tần 2300 MHz và 2600 MHz. Trên cơ sở đánh giá kết quả thử nghiệm, Bộ xem xét đánh giá mô hình hiệu quả kinh doanh cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu xã hội, và sẽ chính thức cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông theo đúng quy định.
Cấp phép 4G sớm hay muộn: dựa vào nhiều yếu tố!
Ở góc độ chuyên gia làm việc lâu năm trong lĩnh vực viễn thông, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng cho rằng, để đánh giá việc triển khai một dịch vụ vào thị trường, đặc biệt là ở Việt Nam, cần xem xét một số yếu tố.
“Trước hết phải xem công nghệ chín muồi chưa, có tính phổ biến chưa? Nếu công nghệ không phổ biến, chín muồi, có khi triển khai giữa chừng, thế giới chuyển sang công nghệ khác thì lúc đấy mình lỡ dịp. Hoặc độ chín muồi chưa đủ thì giá thành thiết bị đắt, dẫn đến giá cước đối với người dùng cao cũng sẽ không phù hợp” - Nguyên Thứ trưởng Lê Nam Thắng nói.
Theo ông Lê Nam Thắng, tổng số thuê bao 4G đến quý 3/2015 là hơn 700 triệu, chiếm khoảng 10,44% số lượng thuê bao di động trên toàn cầu (trên 7 tỷ). Theo lí thuyết, nhiều chuyên gia nói, khi số lượng thuê bao đạt khoảng 10 - 15% thì công nghệ được xem là có khả năng trở thành phổ biến. Tuy nhiên, tỉ lệ càng tăng cao thì tính đảo ngược càng lớn.
“Chúng ta từng trả giá cho công nghệ đưa vào Việt Nam nhưng không phù hợp thời điểm hoặc lạc hậu. Ví dụ CitiPhone, Calling, CDMA2000... chỉ phát triển trên thế giới được một thời gian, cũng có một giai đoạn phát triển tốt tại Việt Nam nhưng không kéo dài, số người dùng không nhiều nên giá thành cao. Nếu chúng ta đi sớm, tất nhiên có lợi thế, nhưng nếu sớm quá thì có thể không tận dụng được những công nghệ mới sau này như VoLTE... Sự chín muồi và phổ biến công nghệ có tính quyết định về thời điểm triển khai” - Nguyên Thứ trưởng Lê Nam Thắng nói.
Yếu tố thứ hai được ông Lê Nam Thắng đề cập là về băng tần. Ở thời điểm tốt, công nghệ tốt nhưng băng tần không phù hợp cũng không được. Viễn thông điện lực từng triển khai CDMA 450 MHz, số lượng thiết bị trên thế giới ít nên rất đắt, dù băng tần tốt vẫn không thành công.
Trước 2015, trên thế giới chủ yếu triển khai băng tần 1.800 MHz, nhưng giờ Việt Nam đang dùng cho 2G, muốn dùng thì phải sắp xếp lại băng tần 1800 MHz. Chọn thời điểm mà không có băng tần cũng không phù hợp. Do đó, yếu tố tài nguyên cũng rất quan trọng. Việt Nam phải sắp xếp quy hoạch băng tần cho phù hợp.
Thứ ba là phải xem xét nhu cầu thị trường. Người dùng luôn muốn có công nghệ cao, chất lượng tốt, tốc độ nhanh, vùng phủ sóng rộng. “Ai cũng muốn có xe Mercedes và đường cao tốc. Nhưng vài chục năm trước chỉ có xe đạp. Xa lộ thông tin cũng vậy. Cần xem sự cần thiết nhu cầu thị trường. Thị trường quyết định việc đưa vào hay không, đưa vào mức độ nào” - Nguyên Thứ trưởng Lê Nam Thắng nói.
Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đã xác định triển khai 4G sau năm 2015, Nguyên Thứ trưởng Lê Nam Thắng đánh giá như vậy là phù hợp. Theo ông Lê Nam Thắng, có thể 2016 cấp phép, doanh nghiệp cần 1 năm để triển khai mạng lưới, sau đó sẽ cung cấp dịch vụ. Đầu năm 2017, giá thành thiết bị đầu cuối và thiết bị mạng giảm nhiều, tiết kiệm cho người dùng.
Doanh nghiệp sẵn sàng chờ được thử nghiệm
Ở khía cạnh doanh nghiệp, ông Nguyễn Nam Long, Phó Tổng Giám đốc VNPT-Net cho rằng, đến thời điểm này triển khai công nghệ 4G-LTE ở Việt Nam là chín muồi. VNPT đang trình giấy phép xin thử nghiệm. Theo yêu cầu của Bộ TT&TT, thử nghiệm trên 3 băng tần 1800 MHz, 2300 MHz và 2600 Mhz, nếu được cấp phép, VNPT sẽ chỉ thử nghiệm diện nhỏ ở 3 tỉnh, khoảng trên 100 node B.
“Quan điểm của VNPT, không thử nghiệm về công nghệ vì đã chín muồi, chỉ thử nghiệm về thương mại, thử trải nghiệm của người dùng và chờ đợi phản hồi. VNPT triển khai đi thẳng lên LTE-Advance. Tốc độ tối đa dự kiến thử nghiệm là 450Mbps download” - ông Nguyễn Nam Long cho hay.
Cũng là doanh nghiệp xin được cấp phép thử nghiệm 4G, đại diện của Viettel cho biết, với 4G, họ sẽ rút kinh nghiệm, có cách tiếp cận phù hợp, có thể sẽ tập trung chính vào chuyện triển khai những dịch vụ data mang tính sáng tạo cao.
Được biết, ở thời điểm này, VNPT và Viettel đều đang chờ Bộ TT&TT xem xét cấp giấy phép thử nghiệm. Quá trình chuẩn bị thử nghiệm của các doanh nghiệp đã sẵn sàng.
Theo VnMedia.
Bình luận