Vài năm qua, Apple và Samsung đang tận thu mọi nguồn lợi nhuận trên thị trường smartphone, trong đó Apple chiếm phần lớn. Một phân tích gần đây cho thấy, nếu kéo dài tình trạng giảm doanh thu, Samsung có khả năng phải bỏ hoàn toàn mảng di động Android.
Phân tích này đưa ra vấn đề rất đơn giản: Samsung không sở hữu hệ điều hành riêng, nên họ không thể ngăn các nhà sản xuất khác cạnh tranh bằng thiết bị giá rẻ hơn. Samsung đã cố gắng tạo ra hệ điều hành độc quyền Tizen OS, nhưng thất bại. Kết quả là người dùng đang có xu hướng chuyển sang các thiết bị Trung Quốc rẻ hơn như Huawei hay Xiaomi, từ đó các công ty cung cấp linh kiện như MediaTek hay Rockchip cũng phát triển mạnh hơn, tạo đà cho các hãng smartphone mới nổi giành lấy thị trường thế giới.
Ngoài ra, Samsung đang sản xuất hàng tá thiết bị, trong đó có nhiều model tương đồng nhau. Việc nâng cấp và thử nghiệm loạt sản phẩm này rất tốn thời gian, do vậy các bản OS mới khó bắt kịp những lỗi bảo mật mới xuất hiện. Mỗi thiết bị Android lại yêu cầu phần driver và chứng chỉ chất lượng khác nhau. Khi phải ra mắt hàng loạt thiết bị mỗi năm, Samsung rất khó đồng bộ các phụ kiện, chứng chỉ với phần mềm nhằm tối ưu hóa tất cả sản phẩm.
Vấn đề tiếp theo là Samsung đã thất bại trong việc tạo ra cấu hình và giao diện Android độc đáo cho mình. Giao diện TouchWiz quá rối mắt. Chiếc S6 đã mang nhiều thay đổi phần cứng như chip 14nm, nhưng vẫn dùng nhân ARM CPU. Apple đã đầu tư cấu trúc CPU riêng khi mua về PA Semi, trong khi Samsung vẫn chậm chạp với ARM và đang tụt hậu đến vài năm so với Apple.
Rõ ràng, Android không có lỗi trong chuyện này. Samsung có nhiều đối tác giỏi giúp họ thiết kế giao diện thân thiện với người dùng như Imagination Technologies và Qualcomm. Họ cũng có đủ tiền để đầu tư cho các công nghệ GPU hay tăng tốc thiết bị Galaxy. Vấn đề ở đây là Samsung đã không làm vậy.
BlackBerry gần đây đã giới thiệu chiếc Priv, cho thấy nhiều hãng cũng nhắm đến con đường sản xuất thiết bị Android với những tính năng độc đáo. Do đó, không phải những hạn chế của Android đang giết chết Samsung, mà chính bởi những chiến lược giá bán sai lầm, sự chậm trễ trong việc tạo ra tính năng và linh kiện độc đáo đang giết chết họ. Có vẻ, chiến lược dội bom thị trường bởi những thông số khủng đã không còn hiệu quả như trước, và giờ là lúc Samsung tính đến một nước cờ khác, hoặc họ sẽ lăn vào vết xe đổ của Nokia trước đây.
Theo Zing.
Bình luận