Năm 2015 được xem là thời điểm có nhiều sự đột phá tới từ các nhà sản xuất smartphone trên toàn cầu. Ngay từ những ngày đầu năm, giới công nghệ đã được chứng kiến rất nhiều sản phẩm sáng tạo như smartphone Galaxy S6 edge của Samsung với màn hình cong độc đáo.
Và gần đây nhất, Apple cũng công bố bộ đôi iPhone thế hệ mới, iPhone 6s và iPhone 6s Plus trang bị công nghệ cảm ứng lực 3D Touch nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng trên di động. Nhìn chung, việc ngày càng có nhiều công nghệ mới được ra đời trên smartphone là tín hiệu tích cực với làng công nghệ trong năm nay.
Tuy nhiên, trên thực tế, ngành công nghiệp di động cũng đang gặp phải những rào cản và khó khăn riêng. Thật vậy, dù năm 2015 được xem là thời điểm có nhiều tín hiệu tích cực, nhưng không thể phủ nhận một thực tế, thị trường di động toàn cầu đã và đang có xu hướng phát triển chậm lại.
Có thể, đây không phải là điều quá mới mẻ cho giới phân tích, nhưng tình hình này đã gián tiếp ảnh hưởng tới doanh số của rất nhiều nhà sản xuất smartphone hiện nay. Báo cáo gần đây từ Strategy Analytics chỉ rõ, lượng smartphone được vận chuyển trên toàn thế giới đã không còn phát triển mạnh mẽ như những năm trước đó.
Lượng smartphone được vận chuyển trong Q3/2015 là khoảng 354,2 triệu thiết bị, tăng khoảng 10% so với cùng kì năm ngoái. Thế nhưng, nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng của thị trường di động trong những năm trước, đây được xem là thời điểm mà nền công nghiệp smartphone phát triển chậm chạp nhất, kể từ năm 2009.
Liệu xu hướng máy tính cá nhân có trở lại?
Có 2 dấu hiệu nhìn thấy được từ báo cáo trên:
- Thị trường di động, hay cụ thể là smartphone đã bắt đầu phát triển chậm lại, như đã nêu ở trên.
- Sau xu thế smartphone, các nhà sản xuất sẽ phải chuyển dịch sang một hình thái mới.
Do đó, câu hỏi được đặt ra, sau smartphone, thế giới sẽ xuất hiện xu hướng gì?
Trả lời cho câu hỏi này, một số ý kiến cho rằng, công nghệ rồi cũng sẽ như thời trang, xu thế này qua đi và xu thế kia trở lại. Điều này ám chỉ, thị trường máy tính cá nhân sẽ lên ngôi trong vài năm tới. Nói cách khác, sau khi mải mê với các thiết bị di động, người dùng sẽ quay trở lại với những chiếc máy tính cá nhân.
Trên thực tế, đây hoàn toàn chỉ là những phỏng đoán mang tính chủ quan. Những báo cáo gần đây của công ty Gartner đã chỉ ra rằng, PC sẽ khó lòng trở lại thời kì hoàng kim, khi cả lợi nhuận và doanh số của thị trường máy tính đã ở bên kia sườn núi theo chiều đi xuống.
Trong bối cảnh này, Microsoft, ông trùm nền tảng máy tính đã đưa ra một giải pháp, thay đổi cách thức mà chúng ta sử dụng một chiếc máy tính cá nhân. Họ đã tung ra chiếc laptop 2-trong-1 có tên Surface Book, vừa sử dụng như một máy tính thông thường, vừa sử dụng như một chiếc tablet.
Tuy nhiên, bản thân Surface Book cũng có những hạn chế nhất định, đáng nói tới là giá bán đắt đỏ. Một chiếc laptop Surface Book phiên bản thấp nhất có mức giá cả ngàn đô. Nghĩa là để sở hữu một chiếc laptop 2-trong-1 như vậy, chúng ta phải có ít nhất trong tay 20 triệu đồng.
Nói cách khác, Surface Book chỉ là một thiết bị giúp Microsoft định hướng lại thị trường PC trong tương lai, không hơn không kém. Hoặc nếu thành công, Microsoft sẽ lên ngôi, và nắm quyền kiểm soát ở thị trường laptop, máy tính bảng. Còn việc đón đầu xu thế smartphone, đây gần như là điều không thể?
Không còn xu hướng một thiết bị, mà là nhiều thiết bị
Theo các chuyên gia, khi 7 tỉ người trên thế giới đều sở hữu cho mình ít nhất một chiếc smartphone, các nhà phát triển sẽ buộc phải nghĩ ra một phương thức mới. Đây không phải là một thiết bị riêng biệt, mà là việc kết nối tất cả các thiết bị thông minh hiện có thành một nền tảng quản lí tập trung.
Đó là cách mà xu hướng Internet of Things (IoT) lên ngôi.
Có thể bạn không nhận ra, nhưng Google và Microsoft đã áp dụng rất thuần thục chiến lược này. Đầu tiên hãy nói về Microsoft. Nhiều người nói rằng, việc ông lớn này tung ra nền tảng Windows 10 xuyên suốt trên các thiết bị như PC, laptop, tablet hay smartphone là nhằm cứu vãn sự đi xuống của Windows Phone.
Thế nhưng, bản chất của Windows 10 lại chính là một nền tảng IoT thực sự. Với Windows 10 của Microsoft, bạn không cần quan tâm mình đang sử dụng thiết bị gì, mạnh yếu ra sao, chỉ cần chạy Windows 10 là có thể hoàn thành hầu hết mọi công việc. Như tính năng Continuum trên Windows 10 Mobile là một ví dụ.
Trong khi đó, Google lại có một cách tiếp cận rất khác. Họ không có lợi thế nền tảng PC như Microsoft. Thế nhưng, Google lại nắm trong tay hệ điều hành Android rộng khắp. Điều này giải thích tại sao, Google lại đưa ra quyết định hợp nhất Android và Chrome OS gần đây.
Tất nhiên, Apple cũng không hoàn toàn nằm ngoài cuộc chơi này. Ít nhất, họ đã bắt đầu nghiên cứu và trải khai nền tảng HomeKit, hướng tới các vật dụng, các thiết bị thông minh trong gia đình. Hoặc như Huawei đã bắt đầu với Lite OS, Tencent với TOS+ còn Samsung là Tizen.
Trong đó, điểm thú vị của cuộc chiến IoT, đó là không ai trong số những công ty này đã sở hữu một nền tảng Internet of Things hoàn thiện. Do đó, cơ hội với Apple, Google hay Microsoft được chia đều như nhau. Tất nhiên, bất kì ai nắm được thị trường di động hay PC hiện tại, lợi thế khi tiến vào nền tảng IoT là không hề nhỏ.
Theo Genk.
Bình luận