Tránh bị đánh tráo, ăn cắp linh kiện

Đôi khi, thợ phán “phải để máy lại kiểm tra”, vài hôm sau bạn tới nhận máy về vì lí do “không sửa được” hoặc phí sửa cao đến vô lí. Rất có thể bạn đã trở thành nạn nhân của chiếc máy bị “rút ruột”. Trong thời gian để máy ở lại cửa hàng, thợ đã có quá nhiều cơ hội để lấy những bộ phận còn hoạt động được, thay vào đó là linh kiện hỏng, linh kiện không hỏng nhưng xuất xứ Tàu, hoặc thậm chí còn trơ tráo hơn là lấy luôn mà không thèm gắn đồ khác vào để lấp chỗ trống – cái này tùy thuộc “lương tâm nghề nghiệp” của người thợ thôi.

Bạn nghĩ chỉ kí tên lên bo mạch, lên mặt lưng tấm màn hình là yên tâm ư? Có khi thợ chỉ lấy một vài con IC, con tụ hoặc điện trở trên mainboard là đã đủ, còn chúng ta thì không thể nhớ đến từng số seri trên các linh kiện để mà kiểm tra. Đôi khi mục đích của họ không phải là ăn cắp mà chỉ là "kiếm thêm" sửa chữa bổ sung: Chúng tôi đã chữa được lỗi ban đầu, nhưng sau đó lại cái tụ A, con IC B, cáp C lại chết. Hãy vui lòng bỏ tiền thêm để mua (lại của chính bạn) những linh kiện này.

Không bán lại đồ cũ với giá đồng nát

Không những khách hàng cả tin bị thợ thông báo rằng: máy bị cháy vi xử lí, pin bị oxy hóa hay thậm chí là mọc rêu bên trong, và không thể sửa nổi trong khi chi phí thay đắt gần ngang ngửa với mua một chiếc máy mới. Và, bạn còn cần gì đến cục gạch vô dụng ý nữa? Thợ sẽ gợi ý mua lại của bạn chiếc máy với giá hữu nghị (không hơn giá đồng nát là bao) để xoa dịu nỗi buồn của bạn, cũng như thể hiện thiện chí của cửa hàng.

Thế là, chiếc điện thoại, vốn dĩ có khi chỉ cần chạy lại phần mềm, chỉ với dăm chục một trăm lại nghiễm nhiên rơi vào túi thợ sửa chữa, nhanh chóng được khắc phục lỗi và xuất hiện trên các trang mua bán với giá đắt hơn hàng chục, thậm trí hàng trăm lần. Hãy nhớ rằng, điện thoại thường bị hỏng nặng khí vỡ màn hình hoặc chết bo mạch, vì thế từ 2 chiếc điện thoại “chỉ còn xác” không khó gì có thể lắp lại được một chiếc hoạt động được. Do đó đừng nên vội vàng bán chiếc điện thoại của mình với giá rẻ mạt: ở đâu đó vẫn đang có người cần mua chiếc máy của bạn.

Cần tỉnh táo khi thợ báo giá tiền công + linh kiện

Những thợ sửa chữa không trung thực thường sẽ báo giá tổng cộng cho việc sửa chữa – ví dụ, “của bạn tất cả hết ngần này, ngần kia”. Họ cố tình làm vậy để bạn không thể so sánh giá linh kiện và tiền công với các trung tâm dịch vụ khác. Làm vậy có lợi gì không? Chắc chắn là có rồi, ví dụ, ở trung tâm "chính hãng" một chiếc camera sau của điện thoại có giá 500 nghìn, và tiền công thay thế - 100 nghìn. Ở một cửa hàng khác họ đưa ra giá tổng là 500 nghìn cả công thay và linh kiện.

Tưởng là rẻ, nhưng thực sự thì bạn được thay camera cũ chỉ có giá 200 nghìn, và tiền công trong trường hợp này những 300 nghìn. Tất nhiên, nếu họ công bố “đường đường chính chính” giá linh kiện cũ chỉ 200 nghìn, tiền công 100 nghìn thì nhiều khả năng bạn sẽ chọn linh kiện cũ thay vì đồ mới, và họ sẽ chỉ thu được của bạn 300 nghìn chứ không phải là 500 nghìn nữa.

Lưu ý với chiêu “treo đầu dê, bán thịt chó"

Trên thực tế, nguyên tắc của chiêu thức này là: thay vì sử dụng các linh kiện chính hãng, thợ sẽ dùng các linh kiện Trung Quốc, hoặc rã từ các máy cũ khác ra để lắp cho bạn. Tiền bạn phải trả sẽ theo giá đồ chính hãng, còn họ thu được lời từ “xào nấu” linh kiện là bao nhiêu thì không ai biết được.

Tuy nhiên, ở đây có vài điểm nghi vấn: một số thương hiệu không hề sản xuất linh kiện thay thế, ví dụ Apple không bán màn hình riêng cho iPhone, và tại các trung tâm bảo hành của hãng thì họ chỉ đổi máy mới cho người dùng, với trường hợp không được bảo hành thì giá đổi máy gần ngang với giá mua mới. Vì thế, ngoài trung tâm bảo hành chính hãng của Apple thì dù bạn sửa iPhone ở bất cứ đâu cũng sẽ nhận được đồ “không chính hãng”, hoặc nếu may mắn thì bạn được thay bằng linh kiện “rã máy” (có nguồn gốc từ những chiếc iPhone bị ăn cắp và khóa máy từ xa, không sử dụng được nữa).

Tình hình tương tự cũng có thể xảy ra nếu bạn đem sửa một chiếc điện thoại rất cũ: thợ sẽ thay hẳn cả bo mạch của những chiếc điện thoại tương tự nằm chất đống vào máy bạn. Vừa dễ vừa nhanh hơn là ngồi kì cạch hàn nối. Tất nhiên, nếu người thợ có “tâm không sáng” thì chắc chắn bạn sẽ được thông báo là “đồ này hiếm lắm, em tìm mãi mới được nên giá đắt một chút, anh thông cảm.”

Tránh để thợ sửa chữa khi chưa được đồng ý

Nói chung, đây là mánh khóe bất hợp pháp, nhưng đôi khi nó cũng được một số cửa hàng áp dụng. Điểm mấu chốt là, nếu thợ thấy thuyết phục bạn sửa chữa là không khả thi do chi phí đắt tiền, thì bạn sẽ được biết về điều đó chỉ ... sau khi việc sửa chữa đã được thực hiện, và bạn bị đặt vào tình huống “việc đã rồi”.

Lí do thì có rất nhiều: Tại sao bạn lại không đồng ý sửa chữa? Chúng tôi đã gọi, nhưng điện thoại của bạn không liên lạc được, hoặc trong hợp đồng có ghi là khi mang máy tới đây tức là bạn đã chấp thuận những điều khoản sửa chữa, kể cả việc “tiền sửa hậu tấu”. Mục đích của bạn là làm cho chiếc máy hoạt động đúng không? Đây, nhận đi này, và vui lòng thanh toán.

Bản thân người viết bài cũng đã bị rơi vào hoàn cảnh tương tự khi đem laptop tới một “bệnh viện laptop” với cơ sở vật chất khá lớn trên đường Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tôi nói với anh thợ là kiểm tra giùm xem máy có bị bụi bẩn quá không mà thấy rất nóng. Anh thợ nhận máy, thổi bụi sơ bên ngoài, lau bàn phím và đòi 300 nghìn tiền “làm sạch laptop toàn bộ”. Tôi không chịu vì anh ta chưa hề hỏi ý mình là có thực hiện vệ sinh laptop toàn bộ hay không, không báo giá trước, mà làm cũng không thấy có tí nào là “toàn bộ” cả, vì đến vỏ máy còn chưa tháo ra. Đôi co một lúc thì người quản lí đến, xin nhận lỗi sơ suất về phía công ty không kịp thời thông báo cho khách hàng về giá cả, và thu 80 nghìn tiền “chuẩn đoán và khám bệnh” cho laptop. Quả thật tôi cạch đến già luôn cái cửa hàng này.

Tiều hiểu kĩ để tránh “chẩn đoán cũng mất tiền”

Một số cửa hàng có cung cấp dịch vụ “tận nơi” – bạn thậm chí không cần phải đem thiết bị tới cửa hàng, mà nhân viên sẽ tới nhà bạn nhận máy đem đi sửa. Tuy nhiên, phải rất cẩn thận khi kí kết thỏa thuận giao nhận. Có thể có dòng chữ ghi điều kiện: Trong trường hợp từ chối sửa chữa sau khi cửa hàng báo giá thì bạn sẽ phải trả tiền vận chuyển và phí “khám bệnh” với giá rất chát.

Thoạt nghe có vẻ đúng: bằng cách này, cửa hàng có thể loại trừ được những vị khách "khôn lỏi": thích DIY (tự sửa chữa) nhưng bản thân lại không thể tìm thấy lỗi, và sau khi biết bệnh sẽ muốn mày mò tự sửa. Tuy nhiên, nếu cửa hàng thực sự làm ăn có uy tín và chất lượng thì họ sẽ hỏi khách về hiện tượng hỏng hóc, qua đó dự trù được khối lượng công việc và thông báo khoảng giá trước khi cử nhân viên tới nhận thiết bị. Nếu điện thoại chỉ bị hỏng màn hình nhưng cửa hàng lại hứa sẽ báo giá sau khi chẩn đoán thì bạn nên cảnh giác: rất có thể khoản tiền sửa sẽ không hề nhỏ. Nếu bạn từ chối – họ vẫn sẽ thu của bạn tiền với lời giải thích là tiền "chẩn đoán và giao hàng".

Theo Phunutoday.




Bình luận

  • TTCN (0)