Âm thầm trừ tiền trong tài khoản

Thông báo của CM được công bố thật trùng hợp khi mới đây, Thanh tra Sở TT-TT Hà Nội đã phát hiện và xử lí Công ty TNHH Đầu tư Vinamob câu kết với 3 công ty tại Trung Quốc, cung cấp dịch vụ nội dung thông qua việc cài đặt sẵn các mã lệnh nhắn tin đến đầu số 8x61 trên các máy điện thoại của Trung Quốc. Theo Thanh tra Sở TT-TT, sau khi Vinamob kí kết hợp đồng, đối tác của công ty này đã thiết lập hệ thống thiết bị máy chủ đặt tại Trung Quốc để kết nối với hệ thống máy chủ của Công ty Vinamob (đặt tại Việt Nam) phục vụ hoạt động kinh doanh dịch vụ.

Với phương thức cài đặt sẵn các mã lệnh nhắn tin trên máy điện thoại sản xuất ở Trung Quốc và ẩn toàn bộ thông tin mà người dùng có thể nhận biết được (không lưu lại tin nhắn đi-đến), máy điện thoại của người dùng sẽ tự động nhắn tin đến đầu số 8x61 mà chủ thuê bao không hề hay biết. Sau đó, hệ thống của các nhà mạng sẽ tự động trừ tiền trong tài khoản của người dùng. Vinamob đã “móc túi” người dùng Việt Nam được 2,67 tỉ đồng.

“Hoạt động cài đặt sẵn mã lệnh nhắn tin, tự động trừ tiền trong tài khoản người dùng được thực hiện với thủ đoạn tinh vi, gây mất niềm tin đối với dịch vụ của các doanh nghiệp viễn thông trong nước” - Thanh tra Sở TT-TT Hà Nội cho biết.

Do các thiết bị xuất xứ từ Trung Quốc thường có mẫu mã bóng bẩy, nhiều tính năng, giá lại rẻ nên được nhiều người lựa chọn. Theo CM, các thiết bị Android bị phát hiện có mã độc lần này chủ yếu của các nhà sản xuất chưa có tên tuổi, thương hiệu (chỉ có một số ít các nhà sản xuất đã từng được người tiêu dùng Việt Nam biết đến như: SoftWinners, Advance, Rockchip, Jointnet, SW, Wondermedia, MID-1013D...). CM cũng liệt kê tên một vài mẫu máy cụ thể như: JYJ 7 pollici, JEJA 7 zoll, Tagital T10, Yuntab SZ ware...

Nên chọn sản phẩm có uy tín

Thanh tra Sở TT-TT Hà Nội cho hay, hầu hết khách hàng sử dụng dịch vụ của đầu số 8x61 đều ở vùng sâu, vùng xa. Khách hàng khi được hỏi đều cho biết không sử dụng dịch vụ của đầu số 8x61 nhưng vẫn bị trừ tiền trong tài khoản. Những khách hàng này đã bị mất khoản tiền không nhỏ do điện thoại bị cài sẵn mã độc.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu và phát triển của Công ty CP Bkav, tỉ lệ người sử dụng các dòng máy điện thoại trên ở Việt Nam không lớn vì ở phân khúc điện thoại giá rẻ, đã có nhiều loại máy của các nhà sản xuất có tên tuổi như: Nokia, Samsung…

Ông Vũ Ngọc Sơn cho biết thêm: “Các dòng điện thoại vừa bị phát hiện cài mã độc chủ yếu là điện thoại thế hệ cũ, phần mềm an ninh mạng không có sẵn nên khó phát hiện. Mặc dù vậy, việc cài đặt mã độc thao tác đơn giản như cài phần mềm, không tốn chi phí nên nếu nhà sản xuất cố tình cài mã độc đối với các dòng máy cũ này, người dùng phải kiểm tra tài khoản mới phát hiện được” .

Ghi nhận thị trường cho thấy, những dòng điện thoại giá rẻ bị dính mã độc như CM nêu trên được đưa vào thị trường Việt Nam chủ yếu qua đường xách tay. Những nhà bán lẻ uy tín tại Hà Nội không kinh doanh sản phẩm này. Mặc dù vậy, vẫn cần cảnh giác trước nguy cơ lộ, lọt thông tin, mất cắp dữ liệu, tiền trong tài khoản từ các thiết bị di động xuất xứ từ Trung Quốc. Cách đây hơn 1 năm, điện thoại Xiaomi của Trung Quốc cũng bị phát hiện cài đặt phần mềm gián điệp và được bán rộng rãi tại thị trường Việt Nam.

Để tránh “tiền mất tật mang”, các chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo, người dùng thiết bị di động nói chung và điện thoại di động nói riêng nên lựa chọn sản phẩm của những nhà sản xuất, phân phối uy tín, vì điện thoại không đơn thuần chỉ phục vụ nhu cầu nghe gọi, mà còn chứa đựng nhiều thông tin khác. Bên cạnh đó, người dùng không nên tự ý cài đặt các phần mềm, ứng dụng không rõ nguồn gốc.

Theo An Ninh Thủ Đô.




Bình luận

  • TTCN (0)