1. Lấy nét tự động bằng laser

Tốc độ của laser rất nhanh giúp cho việc đo khoảng cách cũng gần như ngay lập tức và chính xác không phụ thuộc vào các điều kiện môi trường như nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng.

Đây là công nghệ lấy nét tự động nhanh nhất hiện nay nhưng nó cần sự tác động của người dùng. Cụ thể, bạn muốn lấy nét vào vị trí nào trên ảnh, bạn cần phải chạm vào màn hình và đó là điểm mà laser sẽ phát ra để tính khoảng cách lấy nét. Nếu điện thoại kết hợp tính năng chụp ngay sau khi chạm vào điểm lấy nét thì bạn sẽ có bức ảnh bắt nét đối tượng chuyển động ngay tức thời.

 

Điện thoại được sử dụng công nghệ: Asus ZenFone 2 laser, LG G3, LG G4, OnePlus 2.

2. Lấy nét theo so sánh độ tương phản

Hầu hết camera trên smartphone hiện nay sử dụng công nghệ tự động lấy nét theo cách so sánh độ tương phản nhưng cũng có một số ít dùng kết hợp thêm cả công nghệ lấy nét khác để cải thiện hiệu quả lấy nét tự động.

Lấy nét theo độ tương phản phụ thuộc nhiều vào điều kiện ánh sáng. Ánh sáng càng tốt thì lấy nét càng nhanh và hiệu quả. Trong công nghệ lấy nét này, cảm biến sẽ thực hiện việc so sánh cường độ sáng giữa các điểm ảnh lân cận để tìm ra được điểm sáng có cường độ sáng tốt nhất. Trong quá trình so sánh như vậy, ống kính được điều chỉnh để chọn được điểm ảnh có độ tương phản tốt nhất từ đó tính toán được khoảng cách tới vật thể và tiến hành lấy nét.

Điện thoại được sử dụng công nghệ: hầu hết các điện thoại trên thị trường.

3. Lấy nét theo pha

Samsung, Sony và Apple hiện nay đều đặt niềm tin vào lấy nét theo pha, sử dụng công nghệ lấy nét này kết hợp với lấy nét theo độ tương phản trên các sản phẩm mới nhất của mình.

Vay mượn từ máy ảnh ống rời, Samsung tiên phong đưa công nghệ lấy nét tự động tiên tiến này vào thế giới smartphone với Galaxy S5. Không như xác định dựa theo độ tương phản truyền thống, lấy nét theo pha cho phép lấy nét vào chủ thể nhanh hơn, chính xác hơn, đặc biệt trong các điều kiện ánh sáng yếu.

Bạn có thể so sánh tốc độ của PDAF với các phương pháp cũ trong video phía trên. Cảm biến lấy nét theo pha sẽ thông báo cho ống kính biết để điều chỉnh phù hợp, trong khi ảnh lại được chụp bằng một thiết bị hoàn toàn khác đó là cảm biến ở phía sau máy ảnh.

Điện thoại được sử dụng công nghệ: iPhone 6 và 6 Plus, Samsung Galaxy S5, S6, S6 Edge, Note 5 và các máy Xperia Z5, Z5 Compact và Z5 Premium.

4. Camera kép

Một camera chụp ảnh với cơ chế lấy nét theo độ tương phản. Công việc của chiếc camera thứ hai là thu ánh sáng từ các hướng, như vậy sẽ chụp được các đối tượng ở các độ sâu trường ảnh khác nhau.

Mục tiêu của thiết kế camera kép là để bạn chụp trước và lấy nét sau. Ý tưởng này tương tự như máy ảnh Lytro. Mỗi bức ảnh điện thoại chụp thực hiện đồng thời từ 2 camera. Sau khi chụp, bạn có thể mở lại bức ảnh đó để chạm vào các vùng khác nhau để lấy nét. Mặc dù ý tưởng lấy nét sau khá thú vị nhưng công nghệ lấy nét được sử dụng vẫn là công nghệ lấy nét theo độ tương phản.

Điện thoại được sử dụng công nghệ: HTC One M8, HTC Butterfly 2 và Huawei Honor 6 Plus.

Theo Bizlive.




Bình luận

  • TTCN (0)