Xét về tổng thể, dường như iPhone cũ là lựa chọn tốt hơn so với máy Android mới cùng tầm giá - ảnh: Thành Lương

iPhone có độ ổn định đáng giá

Kể từ khi iPhone ra đời vào năm 2007, đến nay iPhone đã có 12 mẫu máy khác nhau, không kể những chiếc iPhone thế hệ mới nhất là 6S và 6S Plus, tại Việt Nam có đến hàng triệu chiếc iPhone cũ.

Trong đó, ngoài iPhone đến iPhone 4, từ iPhone 4S trở đi, người dùng có thể hài lòng với tốc độ sử dụng, khả năng chụp ảnh là hai yếu tố người ta căn cứ vào để chọn máy, nếu không cần thiết phải sử dụng những thiết bị mới nhất.

Trên thị trường hiện nay, iPhone 4S cũ có giá khoảng 3 triệu đồng, những chiếc iPhone 5 và 5S có giá từ 4,5 đến 5,5 triệu đồng/máy, iPhone 6 và 6Plus chênh lệch thêm khoảng 3 triệu đồng mỗi đời máy.

Mức giá này cũng tương đương với giá cả của những chiếc điện thoại Android hay Windows Phone tại Việt Nam của các thương hiệu như Oppo, Lenovo, Xiaomi, HTC hay thậm chí cả Samsung.

Tuy nhiên, một chiếc máy đời mới chưa hẳn đã có chất lượng tốt hơn máy cũ, anh Nguyễn Ngọc Vũ (Thanh xuân, Hà Nội) mua một chiếc OPPO Find 7 5 inches “đập hộp” với giá 7 triệu đồng để thay thế iPhone 4S, sau 2 tháng sử dụng đã không chịu nổi vì chiếc máy bắt đầu trở nên chạy chậm một cách lì lợm, nhất là khi bật camera thì nhận lệnh kém, anh phải bán đi và mua hẳn iPhone 6 Plus.

Hiện tại, anh Vũ mua thêm cho mẹ một chiếc iPhone 5C cũ với giá 4 triệu đồng, để mẹ “buôn” Viber với họ hàng, thay vì chọn một chiếc điện thoại Android mới cứng cùng tầm giá và hài lòng với lựa chọn này.

Trong khi, iPhone 4S, iPhone 5 và iPhone 5S vẫn được bán ở các cửa hàng với mức giá cạnh tranh hơn rất nhiều so với iPhone đời mới, những chiếc điện thoại tầm trung như OPPO Find 7, HTC Desire 816 đã bị một số trung tâm viễn thông lớn như Thế giới di động, FPT ngừng bán.

“Các nhà bán lẻ thường có quan hệ rất tốt với các hãng và họ hiếm khi lên tiếng nhận xét về điểm yếu của sản phẩm, nhưng phải thừa nhận rằng nhiều chiếc điện thoại mới hiện nay không đáng sử dụng bằng iPhone cũ, nhất là những chiếc máy ở phân khúc trung cấp”. Quản lí một cửa hàng kinh doanh di động tại Xã Đàn cho biết.

Các hãng thiếu ưu đãi smartphone tầm trung

Google cho phép các hãng thoải mái tuỳ biến Android về để chạy trên phần cứng của mình, gây ra sự phân mảng nghiêm trọng. Báo cáo của OpenSignal vào đầu năm 2015 cho thấy, hiện Android đang bị phân mảnh bởi khoảng... 24.000 thiết bị khác nhau, điều này làm các nhà phát triển ứng dụng cảm thấy vô cùng bối rối, khi họ khó lòng mà đáp ứng việc thiết kế các ứng dụng, tương thích tốt nhất với đủ loại thiết bị như này. Rõ ràng, nếu bạn chạy một app được thiết kế cho màn hình 4,3 incher chẳng hạn, rất có khả năng giao diện app sẽ bị vỡ khi chạy trên màn hình 5 inches.

Trong khi tuỳ biến, các hãng lại thêm vào những ứng dụng của mình, có những ứng dụng luôn chạy ngầm trong máy, gây ra tình trạng “lag” giật, phản hồi chậm.

Ảnh
Steven Xiong, Giám đốc bán hàng mảng giải pháp đường sắt của Huawei lại sử dụng iPhone trong khi Huawei cũng sản xuất smartphone của mình - ảnh: Thành Lương

Thêm vào đó, các thiết bị của Apple luôn có sự cập nhật khá đồng đều về thời gian và thường là không quá 1 ngày, kể từ khi hãng cho ra mắt các bản OS chính thức cho iOS thì với Android lại là chuyện khác, ví dụ nếu bạn chạy Android 4.0 Ice Cream Sandwich mà Apple đã ra mắt Android 5.0.1 Lollipop thì bạn cũng chỉ có thể ngồi nhìn, hoặc là phải root máy và cook rom, nếu muốn thử trải nghiệm hệ điều hành mới.

Nói cách khác, những chiếc điện thoại tầm trung thường không phải là đối tượng của các hãng, ưu tiên nâng cấp hệ điều hành mới. Thậm chí, có những hãng điện thoại sau khi hoạt động một thời gian, đổi tên và thay đổi các hệ thống bảo hành, tiêu biểu là trường hợp HK Phone đổi tên thành Rovi.

“Mua chiếc Racer Air giá 4,4 triệu vào năm 2014, dùng được 8 tháng thì máy loạn cảm ứng, tham khảo bạn bè thấy máy sửa dùng được một thời gian thì cũng... lại tèo, tôi chán chả sửa, mua máy khác”, anh Nguyễn Khánh, một độc giả tại Thanh Hoá cho biết.

Mặc dù, iPhone là một chiếc điện thoại đã định hình trong phân khúc cao cấp, nhưng đáng ngác nhiên là việc sửa iPhone cũ thường nhanh nhất, rẻ nhất và... sẵn thợ sửa chữa nhất.

Đình Quý, nhân viên một cửa hàng chuyên sửa chữa iPhone tại Hạ Đình (Thanh Xuân) cho biết, iPhone cũ hiện sửa chỉ có vài lỗi thường gặp là vỡ mặt kính (do người dùng), hỏng chân cắm sạc, đối với dòng iPhone 4 cũ thì thêm lỗi hỏng nút Home, ngoài ra thì... chẳng mấy khi lỗi.

Đối với những chiếc máy iPhone cũ như iPhone 5, 5S, giá thay mặt kính chỉ khoảng 250.000 đồng/ lần, mức giá này theo Quý là cửa hàng thoải mái có lãi, bởi mức nhập linh kiện chỉ... 25.000 đồng/ mặt kính, ngoài ra, cửa hàng sẽ mất vốn đầu tư ban đầu là máy ép kính và một chút rủi ro, khi sửa chữa cho khách hàng. Tuy nhiên, đối với những máy Android tầm trung thì chi phí thay mặt kính có thể lên đến gần 1 triệu đồng, cho dù máy cũ lúc đó chỉ có giá xấp xỉ 3 triệu đồng, ví dụ, một lần thay mặt kính dịch vụ ngoài cho HTC Desire 816 có giá lên tới 850.000 đồng/lần. Đối với nhiều loại máy Android hay Windows Phone, cửa hàng thậm chí từ chối sửa chữa vì không có linh kiện, hoặc nếu sửa thì... đắt đỏ so với giá máy và rủi ro sự cố lặp lặp lại cao.

Hiện tại, điểm nhấn dễ nhận ra nhất của các smartphone tầm trung đời mới so với iPhone cũ, đó là màn hình 4,6 inches, 5,7 inches to hơn những chiếc iPhone từ 4S cho đến 5S với 3,5 inches và 4 inches. Hệ điều hành Android cũng tỏ ra có những lợi thế nhất định, trong việc có nhiều rom tuỳ biến cho người dùng thích “nghịch”, dễ giao tiếp dữ liệu giữa máy tính và điện thoại, ngoài ra thì không có nhiều điều để nói so với iPhone.

Sau một thời gian điện thoại giá rẻ ồ ạt ra mắt, nhất là những chiếc máy xuất xứ Trung Quốc thì thời gian tới, thị trường sẽ trở nên “rối” hơn rất nhiều, khi những chiếc máy xuất sắc như iPhone 6, iPhone 6S... cũng trở thành những chiếc điện thoại cũ và giá thấp. Lúc đó, người dùng có thể hi sinh hoàn toàn cảm giác “bóc hộp” máy mới, để chọn những chiếc iPhone cũ, hoặc Android cao cấp đã qua sử dụng, thay vì mua một chiếc máy tầm trung như hiện nay.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)