Mặc dù trong thời gian qua, các cơ quan quản lí nhà nước đã ban hành nhiều giải pháp tổng lực nhằm hạn chế tin nhắn rác. Tuy nhiên, đến hẹn lại lên, cứ vào dịp cận tết Nguyên đán, số lượng tin nhắn rác lại bùng phát, “tấn công” người dùng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Theo phản ánh của nhiều khách hàng, trong khoảng gần một tháng trở lại đây, số lượng tin nhắn rác mà họ nhận được mỗi ngày đang có dấu hiệu gia tăng.
Nếu như trước đó, mỗi ngày chỉ nhận được vài ba tin nhắn rác thì đến nay con số đó đã tăng lên gấp 3, gấp 4 lần. Trong đó, chiếm số lượng áp đảo vẫn là các loại tin nhắn rác quảng cáo, khuyến mại bán hàng, xã hàng cuối năm như bất động sản, chăn ga gối đệm... và các loại tin nhắn lừa đảo trúng thưởng.
Việc nhắn rác đang “dội bom” người dùng đã và đang trở thành một vấn nạn. Tuy nhiên, con số thống kê về lượng tin nhắn rác được phát tán trung bình mỗi ngày tại Việt Nam mà Tập đoàn công nghệ Bkav vừa mới đưa ra gần đây đã khiến nhiều người phải giật mình.
Thống kê từ hệ thống giám sát của Tập đoàn Bkav trong 6 tháng cuối năm 2015 cho thấy, mỗi ngày hiện có tới 13,9 triệu tin nhắn rác được phát tán, tăng hơn 0,4 triệu tin so với cùng kì năm 2014.
Cũng theo các chuyên gia của Bkav, tin nhắn rác chủ yếu xuất phát từ 3 nguồn là sim rác, tin nhắn miễn phí trên môi trường mạng (OTT) và các dịch vụ nội dung số. Nguyên nhân của tình trạng tin nhắn rác hoành hành là do chi phí thực hiện việc gửi tin nhắn thấp nhưng lợi nhuận thu được lại lớn nên nhiều người vẫn cố tình sử dụng; việc đăng kí thông tin thuê bao trả trước hiện vẫn còn lỏng lẻo nên đây vẫn là một trong những nguồn chính để phát tán tin nhắn rác.
Đề cập đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: “Việc quản lí thuê bao trả trước hiện vô cùng lỏng lẻo. Sim rác đã kích hoạt đang trôi nổi rất nhiều trên thị trường, nhà mạng không kiểm soát được.
Trước thực trạng trên, để tăng cường hiệu quả quản lí nhà nước, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị: “Ngoài việc xử phạt theo quy định như bình thường, Bộ cần có những biện pháp mạnh hơn, quyết liệt hơn. Chẳng hạn như sau khi xử phạt, Thanh tra Bộ sẽ tổng hợp để công bố hãng tuần trên Cổng thông tin điện tử của Bộ về việc nhà mạng nào để lọt nhiều sim rác, tin nhắn rác. Thông tin thậm chí có thể được cung cấp cho báo chí tại Hội nghị giao ban báo chí hàng tuần để công bố. Điều này sẽ khiến nhà mạng sẽ có trách nhiệm hơn chứ "đôi khi chỉ xử phạt vài chục triệu, thậm chí vài trăm triệu doanh nghiệp cũng không sợ”.
Theo Cand.
Bình luận