Trong những năm qua, chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi luôn tích cực vận động, thực hiện các chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kĩ thuật số, kết nối người Ấn Độ vớiInternet. Tuy nhiên, thay vì xem công nghệ như một cách để nâng cao vị thế phụ nữ, một số ngôi làng trong nước lại ngăn cấm sử dụng điện thoại di động, đặc biệt là với trẻ em gái và phụ nữ trẻ.
Ngay đầu tháng này, làng Suraj, bang Gujarat, quê hương của Thủ tướng Modi, đã ra lệnh cấm thiếu nữ và trẻ em sử dụng điện thoại di động.
Quyết định này do quan chức từ huyện Mahesana đặt ra. Lí do đưa ra quy định này được cho là vì công nghệ là “mối phiền toái cho xã hội”. Trưởng làng Suraj cho rằng điện thoại di động nguy hiểm ngang với rượu, nó khiến các thiếu nữ bị phân tâm khỏi việc học hành và gia đình.
Bất kì thiếu nữ nào sử dụng điện thoại sẽ bị phạt tiền lên đến 2100 Rs (khoảng 667.000 đồng). Người báo tin sẽ được thưởng 200 Rs (khoảng 66.000 đồng). Người phụ nữ chỉ được phép nói chuyện với người thân bằng điện thoại của cha mẹ. Lệnh cấm sẽ sớm được mở rộng đến các làng xung quanh.
Ấn Độ hiện đang có khoảng 1 tỉ thuê bao điện thoại di động. Tuy nhiên, chênh lệch giới tính trong việc sở hữu điện thoại cũng khá cao. Năm 2015, theo ước tính số phụ nữ dùng điện thoại ít hơn nam giới 113 triệu người. Bên cạnh nguồn lực hạn chế và khả năng tự chủ tài chính chưa tốt, chuẩn mực xã hội cũng là một “rào cản tiềm ẩn” ảnh hưởng đến quyền sở hữu và sử dụng điện thoại di động của phụ nữ.
Tương tự, số người dùng Internet tại Ấn Độ cũng có sự chênh lệch rất lớn. Đặc biệt tại nông thôn, có 88% người dùng internet là nam giới trong khi đó chỉ có 12% người dùng internet là phụ nữ.
Ngay sau lệnh cấm từ làng Suraj, một ngôi làng ở bang Uttar Pradesh cũng công bố lệnh cấm sử dụng điện thoại di động và mạng xã hội với tất cả thiếu nữ dưới 19 tuổi. Nếu bị bắt, cha mẹ thiếu nữ vi phạm sẽ phải nộp phạt hoặc đi quét đường làng.
“Các cô gái được nuông chiều và có quan hệ tình cảm với con trai là vì sử dụng điện thoại di động. Chính điều này là nguyên nhân cho những tội ác xảy ra với chính các bé gái đó. Trong thời của chúng tôi, không hề có những trường hợp như vậy. Chính công nghệ đã tha hóa lớp trẻ và chúng tôi phải kiềm chế nó.” – Thành viên của chính quyền làng Suraj nói.
Theo Afamily.
Bình luận