Khoảng 300.000 hộp đen trên nền 2-2,5G đang lắp đặt trên ô tô

300.000 ô tô đã lắp hộp đen trên nền 2-2,5G

Trước thông tin các nhà mạng di động đang triển khai dịch vụ di động thế hệ thứ tư (4G) và hiện tại một số nhà mạng có kiến nghị tắt dịch vụ 2G, thu hồi tần số mạng 2G để sử dụng cho dịch vụ 4G, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Quản lí tần số Vô tuyến điện cần có lộ trình “thu hồi tần số mạng 2G”.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, theo Luật Giao thông đường bộ 2008, phương tiện kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị hộp đen. Từ đó đến nay, 300.000 phương tiện vận tải ô tô đã thực hiện gắn thiết bị này trên xe. “Trên thực tế, hộp đen đã dần trở thành công cụ quản lí của các đơn vị vận tải, đồng thời giúp cơ quan quản lí Nhà nước giám sát quản lí phương tiện, đảm bảo trật tự ATGT. Các thiết bị hiện nay hầu hết sử dụng các loại linh kiện hoạt động trên nền tảng mạng 2G hoặc 2,5G,” ông Nguyễn Văn Thanh thông tin.

Là một trong những đơn vị vận tải đã lắp đặt hộp đen cho xe khách và taxi, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Vận tải Đất Cảng bày tỏ: “Mỗi hộp đen lắp đặt trên xe dao động từ 4-6 triệu đồng/chiếc, tùy theo sản phẩm. Các hộp đen mà công ty đã lắp đặt và đang theo dõi hoạt động ổn định. Nếu nâng cấp, chuyển đổi dịch vụ mạng sẽ khiến doanh nghiệp tốn kém thêm chi phí, thời gian trong khi các loại chi phí cầu đường cũng đang gia tăng”.

Còn ông Trần Xuân Đức, Giám đốc điều hành Công ty CP TCT Toàn Cầu (nhà cung cấp hộp đen) khẳng định, thời điểm này nhà mạng tính chuyện thu hồi sóng 2G là chưa thực tế. “Chưa vội bàn về công nghệ 4G, đối với mạng 3G tại Việt Nam hiện nay, phạm vi phủ sóng cũng còn rất nhiều hạn chế. Nhiều dịch vụ viễn thông truyền thống như thoại và SMS vẫn thực hiện trên nền tảng 2G là chủ yếu.

Ngoài yếu tố giá cao, chất lượng dịch vụ 3G của một số nhà mạng hiện nay cũng chỉ nhỉnh hơn 2,5G một ít. Do đó, hầu hết người dân vẫn đang phải dùng dịch vụ 2G”, ông Trần Xuân Đức nhìn nhận.

Tương tự, đại diện nhà xe Thắng Nguyệt, chuyên chạy tuyến Hà Nội - Điện Biên cho biết, hộp đen dùng dịch vụ 2G rất hiệu quả đối với những cung đường miền núi và khu vực xa xôi. Trong khi mạng 3G tại Việt Nam hiện nay phạm vi phủ sóng còn nhiều hạn chế, sóng ở vùng sâu, vùng xa còn phập phù thì hộp đen sẽ truyền dữ liệu về kiểu gì?

Tắt 2G cần có lộ trình

Theo ông Trần Xuân Đức, việc nghiên cứu sản xuất hộp đen hoạt động trên nền tảng 2,5G hay 3G đều đơn giản như nhau, không khó khăn trong việc tích hợp modul kết nối, nhà cung cấp không bất ngờ về mặt công nghệ. Tuy nhiên, lộ trình để thực hiện tắt 2G sớm nhất cũng phải trong 10 năm tới. Lộ trình này sẽ được rút ngắn hay kéo dài phần lớn phụ thuộc vào năng lực cung cấp dịch vụ của các nhà mạng và tốc độ chuyển đổi thiết bị đầu cuối của người dùng.

Liên quan đến đề xuất thu hồi tần số mạng 2G, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT-TT) cho biết, việc ngắt hoàn toàn sóng 2G mới chỉ là ý kiến của các doanh nghiệp đề xuất lên, còn Bộ chưa có bất kì văn bản chính thức nào về việc này.

Trước đó, thông tin về việc cắt sóng 2G được đưa ra lần đầu tiên tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2016 của Bộ TT-TT ngày 31-12-2015, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel đề xuất với Bộ TT-TT nên có lộ trình tắt 2G để giải phóng băng tần cho 4G, 5G. 4G sẽ mở ra thời kì ứng dụng trên smartphone. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, nếu Việt Nam nhanh chóng thúc đẩy công nghệ 4G, 5G, chúng ta sẽ có cơ hội sánh ngang với các nước phát triển về công nghệ thông tin và viễn thông.

Theo An Ninh Thủ Đô.




Bình luận

  • TTCN (0)