Vỏ quýt dày thì có móng tay nhọn, câu nói này xem ra không sai, và chí ít là không sai đối với vụ tranh cãi pháp lí căng thẳng dạo gần đây khi mà Apple kiên quyết không giúp Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) mở khóa chiếc iPhone 5C của nghi phạm trong một vụ xả súng ở San Bernardino, bang California dù rằng đó là yêu cầu từ tòa án.
Trước sau như một, Apple khẳng định hãng này không đồng ý đứng về phía FBI, hay nói cách khác nhà sản xuất iPhone từ chối đề nghị từ phía FBI rằng chỉ cần tạo ra 1 phần mềm truy xuất dữ liệu chỉ dành riêng cho chiếc iPhone 5C đã mã hóa của nghi phạm Syed Farook.
CEO Tim Cook từng mạnh miệng tuyên bố nếu giúp đỡ FBI bẻ khóa iPhone thì điều đó chắc chắn sẽ tạo ra một tiền lệ cực kì nguy hiểm cho khách hàng bởi hành động đó chẳng khác gì Apple tạo ra một backdoor trên thiết bị của người dùng.
Không lâu sau đó, FBI buông lời dọa nạt rằng các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ sẽ có cách để "ép" Apple phải tuân thủ lệnh của tòa án, thậm chí úp mở rằng họ có thể buộc nhà sản xuất điện thoại iPhone cung cấp mã nguồn của hệ điều hành di động iOS.
Đến hôm 21/3, Bộ Tư pháp Mỹ và FBI đề nghị dời phiên điều trần xử kháng cáo vụ việc liên quan bởi cho rằng họ hiện có trong tay một giải pháp kĩ thuật mà qua đó có thể truy cập chiếc iPhone 5C của Syed Farook mà không cần ép buộc sự trợ giúp từ Apple.
FBI phá khóa thành công, song Apple là người chiến thắng
Đúng 1 tuần sau, vào hôm ngày thứ Hai 28/3, FBI tuyên bố đã phá hủy thành công tính năng bảo mật passcode trên chiếc iPhone của Farook, đồng thời đề nghị hủy vụ kiện bởi hiện họ không cần đòi hỏi sự hỗ trợ từ Apple theo yêu cầu mà tòa án liên bang đưa ra hômm 16/2.
Theo Neowin, FBI rõ ràng đã được đạt điều mà họ mong muốn, đó là dữ liệu của nghi phạm. Tuy nhiên,Apple lại là người chiến thắng.
Có thể, việc iPhone đã bị bẻ khóa hoàn toàn bởi một bên thứ 3 sẽ là cơn ác mộng cho Apple trong tương lai bởi gần như là chắc chắn CEO Tim Cook và hãng này sẽ hứng chịu cơn bão truy vấn từ phía khách hàng, song bù lại Apple cũng đã khẳng định cho khách hàng thấy rằng họ luôn đặt lên hang đầu tính an toàn, an ninh thông tin của khách hàng bất chấp sức ép dữ dội từ các cơ quan chính phủ.
Dẫu thế, với vụ San Bernardino, tấm khiêng bảo mật mà Apple dày công quảng cáo cho các dòng sản phẩm "quả táo" đã bất ngờ bị xuyên thủng và hệ lụy của câu chuyện này sẽ còn tiếp diễn.
Có luồng thông tin cho rằng, Apple đã lừa dối khách hàng về sức mạnh bảo mật của điện thoại iPhone bởi chí ít thì FBI với sự trợ giúp của "một bên thứ 3 chưa rõ danh tính" đã phá khóa thành công chiếc iPhone gây canh cãi, thậm chí có người còn cho rằng chính Apple một mặt lén hỗ trợ FBI và mặt khác tung chiêu PR để đánh bóng tên tuổi.
Lẽ dĩ nhiên, cũng có nhận định cho rằng, nếu Apple có trong tay một hệ điều hành iOS vững chắc trước mọi xâm nhập, thì giới bảo mật cũng có không ít người tài, và đơn giản hơn thì biết đâu được ngay trong iOS còn tồn tại vài lỗ hổng bảo mật mà ngay cả đội ngũ kĩ sư hùng hậu và siêu việt tại chính Apple cũng chẳng hề biết đến.
Theo PC World VN.
Bình luận