1. Mua phải thẻ không tương thích
Tất cả các thẻ nhớ microSD đều có thể gắn vừa vào các thiết bị có khe cắm microSD, nhưng không phải tất cả chúng đều hoạt động. Có 3 chuẩn định dạng thẻ nhớ khác nhau dùng để xác định khả năng tương thích bao gồm SD, SDHC và SDXC (hoặc microSD, microSDHC, và microSDXC).
Các chuẩn định dạng này không tương thích ngược với nhau và do vậy bạn không thể sử dụng một thẻ nhớ có chuẩn định dạng mới trên các phần cứng chỉ hỗ trợ các chuẩn định dạng cũ.
Sự khác nhau giữa 3 chuẩn định dạng:
microSD: dung lượng vào khoảng 2 GB, tương thích với một thiết bị bất kì có khe cắm microSD.
microSDHC: dung lượng từ trên 2 GB đến 32 GB, tương thích với các thiết bị hỗ trợ chuẩn SDHC và SDXC.
microSDXC: dung lượng từ trên 32 GB đến 2 TB (tính đến thời điểm hiện tại, thẻ nhớ định dạng này có dung lượng lớn nhất chỉ 512 GB), chỉ tương thích với các thiết bị hỗ trợ chuẩn định dạng SDXC.
Bên cạnh định việc kiểm tra định dạng thẻ nhớ có tương thích với thiết bị của bạn hay không, bạn cũng cần phải kiểm tra thêm một vài yếu tố khác.
Tốc độ siêu cao (Ultra High Speed – UHS)
Chuẩn định dạng SDHC và SDXC hỗ trợ giao thức Ultra High Speed (UHS) – sử dụng các mạch điện mới hơn cho chất lượng truyền tải dữ liệu nhanh hơn. UHS có hai phiên bản là UHS-I với tốc độ truyền dữ liệu lên đến 104MBps và UHS-II lên đến 312MBps.
2. Chọn sai tốc độ
Tương tự như việc xác định các chuẩn định dạng và khả năng tương thích, việc xác định tốc độ của một thẻ nhớ cũng khá phức tạp. Có 4 cách để xác định tốc độ của một chiếc thẻ nhớ.
Dựa trên Speed Class
Speed Class là tốc độ ghi tối thiểu của một chiếc thẻ nhớ, tính bằng megabytes/giây (MBps). Speed Class có 4 chuẩn gồm:
Class 2: tốc độ ghi tối thiểu là 2MBps.
Class 4: tốc độ ghi tối thiểu là 4MBps.
Class 6: tốc độ ghi tối thiểu là 6MBps.
Class 10: tốc độ ghi tối thiểu là 10MBps.
Tóm lại, thẻ nhớ có Class càng cao thì tốc độ càng nhanh.
Dựa trên UHS Speed Class
UHS Speed Class là tốc độ ghi tối thiểu mà các thẻ nhớ microSD hỗ trợ chuẩn UHS-I và UHS-II có thể đạt được.
U1: tối thiểu 10MBps
U3: tối thiểu 30MBps
Dựa trên thông số tốc độ trên thẻ (Rated speed)
Một số nhà sản xuất ghi tốc độ tối đa lên sản phẩm của họ, tính bằng MBps. Tuy nhiên, đây chỉ là tốc độ trên lí thuyết, trong điều kiện lí tưởng của phòng thí nghiệm, không phải tốc độ thực.
Thực tế, tốc độ đọc và ghi của một thẻ nhớ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cấu hình thiết bị, và thậm chí dây cáp USB bạn đang sử dụng…
3. Sử dụng sai chức năng của thẻ
Chọn một thẻ nhớ đúng với mục đích sử dụng là điều quan trọng nhất. Các thẻ nhớ chuẩn UHS-II U3 thường sẽ có tốc độ nhanh, tuy nhiên giá lại khá cao và bạn thường không tận dụng hết hiệu suất của nó.
Theo Panasonic, nếu mục đích của bạn là quay video 4K, bạn nên dùng thẻ nhớ UHS Speed Class 3 (U3). Đối với video Full HD, hãng này khuyên bạn nên sử dụng Class 10 hoặc Class 6. Nếu tốc độ đọc và ghi của thẻ nhớ quá chậm sẽ dẫn đến việc bị mất khung hình (dropped frames) hoặc làm video bị giật (shuttering).
Đối với nhiếp ảnh, sử dụng nhiều thẻ nhỏ thay vì một thẻ lớn sẽ phù hợp hơn vì việc này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro mất tất cả ảnh khi thẻ nhớ bị lỗi. Nếu thường xuyên chụp ảnh RAW (file có dung lượng từ 25 MB trở lên), bạn nên sử dụng các thẻ SDHC có hỗ trợ chuẩn U1 hoặc U3.
4. Mua phải thẻ giả
Các hãng sản xuất thẻ giả thường đánh lừa người dùng bằng cách thiết lập sao cho dung lượng của thẻ nhớ giống với dung lượng được ghi trên vỏ hộp. Bạn sẽ không nhận ra điều này cho đến khi nhận thấy thẻ nhớ đầy lên một cách bất ngờ.
Nếu muốn biết thẻ nhớ bạn đang sử dụng có phải là hàng chính hãng hay không, hãy sử dụng tiện ích H2testw (Windows) hoặc F3 (Mac, Linux) để kiểm tra.
Theo Pháp luật TP HCM.
Bình luận