Tổng giám đốc điều hành (CEO) là chức vụ điều hành cao nhất của một tổ chức, tập đoàn hay công ty. Cho đến giờ, người ta chưa có bất kì một thước đo nào dành cho CEO. CEO có thể là một người có học vấn thấp hoặc cao. Tuy nhiên đã là một CEO thì phải am hiểu nhiều vấn đề vì CEO hàng ngày đều phải "va vấp" và giải quyết nhiều thứ chứ không chỉ có kinh doanh.
Ngoài vị trí cao nhất, sự tín nhiệm và quyền lực thì lương cũng là một yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của chức danh CEO nói chung và CEO ngành viễn thông nói riêng. Mới đây, hãng nghiên cứu Investomedia đã công bố danh sách top 5 CEO ngành viễn thông có mức lương cao nhất.
Dẫn đầu danh sách này là Marcelo Claure, CEO của Tập đoàn viễn thông Sprint (Mỹ) với mức lương theo sổ sách là gần 22 triệu USD trong 8 tháng. Trong đó bao gồm khoảng 923.077 USD lương cơ bản, 500.000 USD tiền thưởng theo hợp đồng, 2.420.300 USD tiền thưởng bổ sung và khoảng gần 20 triệu USD tiền thưởng từ cổ phiếu. Được biết, trong năm qua, giá cổ phiếu của Sprint đã giảm 36%. Còn nhớ, CEO trước đây của Sprint là Dan Hesse có mức lương bao gồm cả tiền mặt và cổ phiếu lên tới 40 triệu USD.
CEO kiêm chủ tịch của nhà mạng AT&T (Mỹ), Randall Stephenson, chiếm vị trí thứ hai với mức lương 24 triệu USD trong năm 2014. Trong đó bao gồm 1,7 triệu USD lương cơ bản, 14 triệu USD từ cổ phiếu và 6,5 triệu tiền thưởng và các loại thù lao khác. Có được mức lương khủng này không phải là điều dễ dàng. Trong năm 2014, Randall Stephenson đã dẫn dắt AT&T tạo ra một khoản tăng trưởng doanh thu trị giá 173 tỉ USD. Được biết, Randall Stephenson trở thành CEO của nhà mạng này từ tháng 5/2007 và kiêm chức chủ tịch một tháng sau đó. Ông lên nắm quyền CEO vào thời điểm AT&T là nhà mạng duy nhất tại Mỹ kết hợp với Apple để phát hành iPhone.
Vị trí thứ ba thuộc về CEO của T-Mobile, John Legere, với mức lương 18,57 triệu USD. Trong đó bao gồm 1,25 triệu USD lương cơ bản, 10,66 triệu USD tiền thưởng từ cổ phiếu và khoảng 4,83 triệu USD từ quỹ khen thưởng đặc biệt. John Legere đóng vai trò là CEO của T-Mobile từ tháng 9/2012. Trong những năm qua, John Legere không ngừng đưa ra và triển khai các đề xuất táo bạo trên một thị trường viễn thông nhạy cảm như nước Mỹ. Kết quả nổi bật là ông đã góp phần tích cực vào việc thu hút thêm được 8,3 triệu thuê bao viễn thông trong năm 2014.
Tuy nhiên, nếu so với bản xếp hạng trước đây thì thứ hạng của John Legere đã bị giảm đi 2 bậc.
Vị trí quan trọng thứ tư trong bảng xếp hạng này thuộc về CEO của nhà mạng lớn nhất nước Mỹ, nhà mạng Verizon. Người đàn ông No. 1 của nhà mạng này có tên Lowell Adams. Trong năm 2014, ông được trả tổng cộng 18 triệu USD cho một năm làm việc vất vả. Trong đó, có khoảng 12 triệu USD từ cổ phiếu, 1,6 triệu lương cơ bản và hơn 4 triệu USD tiền thưởng và các khoản thu nhập khác. Lowell Adams nhậm chức CEO của Verizon từ năm 2011. Để có được mức lương này, Lowell Adams đã góp phần quan trọng vào việc phát triển thương hiệu và qua đó giúp Verizon trở thành nhà cung cấp dịch vụ di động số 1 tại thị trường Mỹ. Hiện nhà mạng này có 137 triệu thuê bao, bao gồm cả thuê bao cố định, di động, internet, truyền hình số.
Vị trí cuối cùng trong top 5 này thuộc về Glen F. Post, III, CEO của CenturyLink, một hãng cung cấp dịch vụ điện thoại, internet và truyền hình cáp. Là vị trí cuối cùng nhưng lương của CEO này cũng là niềm mơ ước của vô số vị CEO khác trong ngành viễn thông. Theo đó, Glen F. Post được nhận lương trị giá 13,1 triệu USD trong năm 2014. Trong đó bao gồm 1,1 triệu USD lương cơ bản và 9,6 triệu USD tiền thưởng từ cổ phiếu và một số khoản tiền thưởng bổ sung và thù lao khác. Glen F. Post có kinh nghiệm làm CEO từ năm 1992. Ông có công rất lớn trong việc xây dựng CenturyLink trở thành hãng viễn thông lớn thứ ba tại Mỹ, sau AT&T và Verizon. Trong năm 2014, CenturyLink đạt doanh thu trị giá 18 tỉ USD.
Theo Xã Hội Thông Tin.
Bình luận