Liệu các nhà phát triển có khi nào đưa ra những quyết định “trái lương tâm” trong thiết kế sản phẩm?
Giới công nghệ hiện đang tranh cãi nảy lửa xung quanh vấn đề này sau khi cựu nhân viên Google Tristan Harris đăng tải một bài luận dài trên Medium về lương tâm người làm sản phẩm. Ông viết:
“Đây chính xác là thứ những người thiết kế sản phẩm đưa vào đầu bạn. Họ ‘đánh đu’ với những cảm xúc, với tâm lí dễ bị tổn thương của bạn (cả vô tình hay hữu ý) chỉ cốt để có được sự chú ý của bạn mà thôi…”
Nói cách khác thì những gì bạn mong đợi hoàn toàn khác với những gì các công ty công nghệ mong đợi. Các công ty chỉ muốn có được sự chú ý tối đa của bạn, muốn bạn sử dụng sản phẩm của họ nhiều nhất có thể. Còn bạn, bạn chỉ muốn khai thác các ứng dụng, phần mềm đang dùng ở mức tối đa. Hai thứ này, rất tiếc, không giống nhau, nếu không muốn nói là hoàn toàn khác nhau.
Một ví dụ Harris chưa nhắc tới trong bài viết của mình chính là điểm Snapchat (Snapchat score). Đây chính là ví dụ rõ ràng nhất cho những sản phẩm được thiết kế một cách “thiếu lương tâm” với mục tiêu hướng đến giới trẻ mà phần nhiều trong số đó mới ở độ tuổi teen.
Dưới đây là một ví dụ về điểm Snapchat:
Hãy nghĩ mà xem:
1. Snapchat là sản phẩm hướng đến người dùng trẻ tuổi
2. Nó đánh giá “danh tiếng” của bạn dựa trên một thông số duy nhất là điểm Snapchat. Mức điểm này thường sẽ tăng khi bạn add thêm bạn bè mới.
3. Không ai biết chính xác cách thức Snapchat tính ra số điểm này, nhưng có vẻ như nó chính là tổng số tin nhắn bạn đã gửi và nhận được.
4. Chính vì vậy mà cách duy nhất để tăng điểm Snapchat “lấy le” với mọi người và thể hiện bạn không phải một người “chìm nghỉm” trong xã hội là dùng Snapchat thật nhiều.
Nói tóm lại thì số điểm Snapchat này chỉ nhằm phục vụ một mục đích duy nhất là khiến mọi người dùng Snapchat nhiều hơn.
Hãy xem xét ví dụ sau đây để thấy được mức độ nguy hiểm của nó: Katherine Pommerening là một thiếu niên 13 tuổi bình thường sống ở Bắc Virginia. Sau khi đổi username, khiến điểm Snapchat của mình tụt về mức 0, ứng dụng Snapchat “thưởng” cho cô 1 điểm mỗi lần cô gửi hay nhận được 1 snap (tin nhắn/ảnh/video). Đối với nhiều người dùng thì chuyện sở hữu điểm Snapchat thấp là một thứ gì đó rất đáng xấu hổ. Chính vì vậy mà một ngày, Katherine đã quyết định gửi hàng loạt snap để kiếm đủ 1000 điểm.
Đây chính là một thắng lợi của Snapchat – tăng lượng tương tác của người dùng – nhưng lại là một điều hết sức tiêu cực từ con mắt của cha mẹ và giáo viên của cô bé, hay thậm chí là của toàn xã hội nói chung.
Theo Genk.
Bình luận