Một phân cảnh mô tả những mảng kí ức hỗn độn giữa thực và ảo trong phim Inception Ảnh: MCT.

Khái niệm truyền kí ức, thông tin, kiến thức, vào não bộ con người, khiến anh ta có cảm giác như từng chính mình trải nghiệm kí ức ấy, vốn trở nên nổi tiếng sau bộ phim khoa học viễn tưởng bom tấn Hollywood "Inception" (2010). Tuy nhiên mới đây, các nhà khoa học Mỹ và Nhật Bản đã thực hiện thí nghiệm chứng minh rằng khái niệm ấy thực tế hơn chúng ta tưởng rất nhiều.

Các nhà khoa học thuộc Đại học Brown, Hoa Kì, mới đây đã khám phá ra cách để có thể "cấy ghép" kí ức vào trong não bộ con người mà đối tượng thậm chí không hề hay biết.

Hợp tác với các đồng nghiệp người Nhật Bản, nhóm nghiên cứu của Đại học Brown đã tiến hành nghiên cứu sử dụng máy cộng hưởng từ (FMRI) để có thể truyền thông tin, kiến thức vào não bộ của ai đó, thông qua phần vỏ não thị giác (phần não phục trách thông tin về hình ảnh) của họ.

Quy trình trên được gọi là Giải mã phản hồi nơ-ron thần kinh, hay "DecNef".

Cụ thể, các tình nguyện viên được cho nhìn vào tấm đĩa có hình ảnh kết hợp giữa các sọc ngang và dọc trên nền đỏ, xanh và xám. Sau 3 ngày như vậy, họ được yêu cầu nghĩ đến màu sắc nào đó mà họ nghĩ là có thể làm chiếc đĩa to ra, cộng với việc được chấm điểm cao hơn.

Trên thực tế, mọi hoạt động của phần nào bộ liên quan đến thị giác của họ được máy scan theo dõi chặt chẽ và các nhà khoa học chỉ cho chiếc đĩa lớn lên khi họ nhận thấy tín hiệu về màu đỏ.

Sau quá trình trên, nhóm tình nguyện viên khi được xem lại hình ảnh về các tấm sọc, lại có hoạt động của phần vỏ não thị giác giống như khi họ nhìn thấy màu đỏ.

Nhóm nghiên cứu hi vọng, thành công bước đầu trong việc "ép" thông tin vào não bộ con người trên sẽ mở đường cho nhiều ứng dụng thực tiễn trong tương lai. Ví dụ như các ứng dụng liên quan đến giáo dục, giúp con người học tập nhanh hơn, hay các ứng dụng khác liên quan đến trị liệu.

Theo Vntinnhanh.




Bình luận

  • TTCN (0)