Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn

Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của Bộ TT&TT chiều 12/7, vị trưởng ngành TT&TT cho biết, sau khi doanh nghiệp báo cáo kết quả thử nghiệm 4G, Bộ sẽ phải phối hợp với doanh nghiệp đánh giá rất nhiều yếu tố như chất lượng thực tế, mức độ can nhiễu.... Sau đó, Bộ phải tiến hành xử lí hồ sơ xin cấp phép của doanh nghiệp.

"Đề nghị nhà mạng hoàn thiện sớm khâu nộp hồ sơ cấp phép. Trước đây Chính phủ yêu cầu Bộ cấp phép trong năm 2016, nay thì nhà mạng làm càng nhanh, chúng tôi sẽ cấp sớm. Có thể cuối tháng 9, đầu tháng 10 sẽ cấp phép miễn là đảm bảo cạnh tranh công bằng, bình đẳng, lành mạnh giữa các nhà mạng", Bộ trưởng chia sẻ.

Trước đó, kiến nghị với Bộ TT&TT, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Phan Lan Tú đề xuất Bộ sớm cấp phép 4G cho các doanh nghiệp viễn thông vì 4G là nền tảng để Hà Nội có thể triển khai các ứng dụng như Chính phủ điện tử, IoT, hệ thống thông tin hiện đại... trên địa bàn.

Hiện tại, việc cấp phép 4G có thể nói cũng đang bước vào giai đoạn nước rút khi 3 nhà mạng lớn là Viettel, VNPT và MobiFone đều đã triển khai thử nghiệm cung cấp dịch vụ. Sau các tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu hay Kiên Giang thì cuối cùng, người dân Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM đã có thể đổi SIM 4G để sử dụng thử dịch vụ 4G với các gói cước cụ thể.

Ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông cũng đã có kiến giải đối với đề xuất của bà Phan Lan Tú, theo đó Bộ đã cấp phép thử nghiệm 4G cho một số doanh nghiệp, trong đó dự định thời điểm kết thúc thử nghiệm là ngày 23/10/2016. Tuy nhiên, do nhu cầu thực tế, Cục đã yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo kết quả thử nghiệm sớm hơn so với thời điểm nói trên. Dựa trên các báo cáo này, Cục sẽ phối hợp với doanh nghiệp đánh giá thực tế chất lượng, đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép.

Sẽ thanh tra mạnh các nhà cung cấp nội dung

Có thể nói, một trong những nội dung làm nóng hội trường chiều nay chính là tin nhắn rác.

Trong báo cáo sơ kết 6 tháng, Bộ TT&TT cho biết đã đẩy mạnh triển khai các biện pháp bảo vệ bí mật thông tin cá nhân và quản lí thuê bao di động trả trước; yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động tăng cường quản lí việc mua bán, lưu thông SIM di động; Tập trung thực hiện Chỉ thị số 82 ngày 24/12/2014 về ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lí thông tin trên mạng; Chỉ thị số 04 ngày 15/01/2016 về tăng cường quản lí và thúc đẩy phát triển bền vững thị trường dịch vụ truy nhậpInternet băng rộng cố định mặt đất; Chỉ thị số 11 ngày 18/3/2016 về tăng cường bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ và ngăn chặn việc mua bán, lưu thông SIM di động sai quy định.

Tuy vậy, nhiều Sở TT&TT vẫn phản ánh rằng tốc độ xử lí vấn nạn tin nhắn rác hiện chưa đủ nhanh và các địa phương vẫn rất bức xúc với vấn nạn này. Một số ý kiến đề xuất nhà mạng cần hạn chế khuyến mại cho thuê bao trả trước, thay vào đó ưu tiên khuyến mại thuê bao trả sau để thúc đẩy người dùng chuyển đổi từ thuê bao trả trước sang trả sau, từ đó việc quản lí thông tin thuê bao sẽ hiệu quả hơn. Đây thực chất cũng là một định hướng đã được nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son nhắc đến nhiều lần trước đây khi làm việc với Cục Viễn thông và ông Nguyễn Đức Trung cho biết Cục đang sớm tổng hợp các ý kiến, giải pháp về vấn đề này để trình lãnh đạo Bộ.

Liên quan đến một số thắc mắc của các địa phương về hiệu quả của đầu số 456 - Tổng đài tiếp nhận phản ánh miễn phí của người dùng về tin nhắn rác do VNCERT vận hành - ông Nguyễn Trọng Đường, Giám đốc VNCERT cho biết mỗi tháng, Trung tâm này tiếp nhận khoảng 60.000 phản ánh và tiến hành phân tích dữ liệu. "Dựa trên nội dung tin nhắn được người dùng chuyển tiếp, chúng tôi lọc ra những từ khóa xuất hiện với tần suất cao bên trong các tin nhắn rác để chuyển cho nhà mạng nghiên cứu chặn. Tương tự, bên trong tin nhắn cũng có các số điện thoại liên hệ - được gọi là số điện thoại thụ hưởng. Chúng tôi cũng tổng hợp những số điện thoại liên hệ xuất hiện nhiều để gửi cho nhà mạng".

Bản thân Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng thẳng thắn thừa nhận, tin nhắn rác là vấn đề đang rất gây bức xúc xã hội. "Riêng sáng nay tôi cũng nhận được gần chục tin nhắn rác. Nhiều người dùng nhận được tin nhắn rác đã bức xúc gửi "tặng" lại cho Bộ trưởng", ông bộc bạch.

"Bộ đã bắt đầu cho thanh tra mạnh các đại lí, các nhà cung cấp dịch vụ nội dung. Tới đây sẽ tiếp tục làm, Thanh tra Bộ phải vào cuộc quyết liệt, sẽ công khai tất cả các CP, nhà mạng, đại lí để cho tin nhắn rác tràn lan", vị Tổng tư lệnh ngành chỉ đạo. Mới đây nhất, 8 doanh nghiệp nội dung đã bị xử phạt 575 triệu đồng do hành vi phát tán tin nhắn rác, dự đoán kết quả xổ số... tới người dùng.

Việc triển khai các Chỉ thị 82, 04, 11 sẽ tiếp tục được tăng cường; Cục Viễn thông cũng đang hoàn thiện các giải pháp đẩy mạnh quản lí cạnh tranh, khuyến mại, ngăn chặn tình trạng nhà mạng khuyến mại tràn lan, phá giá lẫn nhau để đảm bảo chất lượng dịch vụ, quyền lợi cho người dùng;

Chuẩn bị Đề án Số hóa truyền hình giai đoạn 2

Đề án số hóa truyền hình đang theo sát lộ trình khi 7 kênh đã được tắt sóng mềm tại 3 TP lớn trực thuộc Trung ương từ ngày 15/6 vừa qua và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ từ người dân. Công tác hỗ trợ đầu thu cho các hộ nghèo, cận nghèo tại 17 thành phố, tỉnh lân cận đã được hoàn tất, trong khi Hà Nội đang bước vào giai đoạn nước rút để có thể hoàn tất trong tháng 6. Hiện Ban chỉ đạo Đề án số hóa đang nghiên cứu kết hợp phủ sóng truyền hình số mặt đất và truyền hình vệ tinh để phục vụ số hóa truyền hình cho các địa bàn thuộc nhóm II của Đề án và chuẩn bị các khâu cuối cùng để có thể tắt sóng analog hoàn toàn tại 4 TP lớn là Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM và Cần Thơ vào ngày 15/8 tới đây.

Theo số liệu tổng hợp, trong 6 tháng đầu năm 2016, Bộ đã hỗ trợ 3.906 đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo ở 2 huyện Đại Lộc và Duy Xuyên của tỉnh Quảng Nam và 415.747 đầu thu tại 4 thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố HCM, Cần thơ) và 19 tỉnh lân cận.

Theo VietNamNet.




Bình luận

  • TTCN (0)