Hẳn không ít người luôn hào hứng trước những thông báo lượng like trên Instagram hay khi bài đăng trên Facebook của mình đạt lượng comment chóng mặt. Những điều thú vị mà mạng xã hội mang lại cho chúng ta không gì có thể chối cãi. Tuy vậy, đằng sau những mặt tích cực này vẫn tồn tại một vài điểm tối, đặc biệt như việc chúng có thể khiến bạn trầm cảm. Không ít những chuyên gia đã vào cuộc tìm nguyên nhân cho vấn đề này. Dưới đây là một vài thông tin chắc chắn bạn sẽ quan tâm:
Internet gây nghiện
Hãy đối diện với một sự thật khá khó chấp nhận: Facebook có thể khiến bạn nghiện. Cũng giống như những thói quen khác như hút thuốc, ăn vặt hay ngủ nướng, Facebook có thể khiến bạn khó mà rời mắt khỏi những bài đăng và bình luận mới.
Tiến sĩ Ramani Durvasula, chuyên gia tâm lí học tại kiêm nhà nghiên cứu các vấn đề tâm thần tại Mỹ cho biết, không ít người cảm nhận những thông báo trên Facebook như một phần không thể thiếu của cuộc sống. Khi không có sự hiện diện của nhân tố này, tinh thần của họ sẽ trở nên tồi tệ và rơi vào trạng thái trầm cảm. Nhìn chung, các kết nối ảo trên mạng xã hội đều có khả năng khiến bạn đối mặt với tình trạng trầm cảm.
Dale Lavine, sinh viên Đại học Virginia Commonwealth (Mỹ) và là một trong những thành viên câu lạc bộ "Các hoạt động ngoại khóa" chia sẻ anh từng trải qua tình trạng này. Anh cho biết phần lớn thời gian trước đây chỉ dành cho Facebook và khi không nhận được lượt thích hoặc chia sẻ nào từ những bài đăng, anh cảm thấy vô cùng khó chịu. Điều này cũng trái ngược hẳn với cảm giác tuyệt vời khi những tấm ảnh đại diện mới đăng thu hút được sự chú ý của nhiều người và sở hữu lượng "like" khủng.
Tiến sĩ Ramani chia sẻ, cách xử trí trong những tình huống "nghiện" Internet nói chung như sau: Tập trung vào việc kết nối mọi người ngoài thế giới thực sẽ giúp bạn thoát khỏi thế giới ảo hiệu quả hơn. Trong những lúc nói chuyện với mọi người, bạn nên tắt điện thoại và để máy tính ra xa để đảm bảo mình thực sự tham gia vào cuộc hội thoại mà không bị phân tán tư tưởng. Tìm cho mình một sở thích khác lành mạnh hơn cũng sẽ mang lại cho bạn những khoảng thời gian tuyệt vời.
Internet đem đến sự so sánh
Vấn đề nằm ở việc thay vì trải nghiệm cuộc sống của chính mình, bạn lại phải ghen tị với những gì người khác “khoe” trên mạng xã hội. Katie, sinh viên tại đại học Michigan (Mỹ) cho biết, Internet thực sự ảnh hưởng rất lớn đến mức độ stress của cô. Khi lướt Facebook và thấy những tấm ảnh của bạn bè check-in tại những địa điểm du lịch nổi tiếng, cô không khỏi chán nản khi so sánh với việc mình đang nằm nhà lướt Facebook.
Cùng chung trạng thái với Katie, Kelsey, sinh viên năm hai tại Đại học bang Ohio (Mỹ) cũng cho biết những ảnh hưởng tích cực của mạng Internet tới cô: Facebook hay Twitter làm cô cảm thấy cuộc sống của mình quá tẻ nhạt và nhàm chán khi đọc những bài đăng của bạn bè trên những mạng này.
Tiến sĩ Ramani cho hay: "So sánh là bản năng tự nhiên của con người. Chúng ta nhìn vào trải nghiệm của người khác và học hỏi từ đó. Điều này lí giải những so sánh khập khiễng hình thành khi xem các trang mạng xã hội, điều khiến chúng ta cảm thấy chán nản".
Thay vì để tình trạng này tiếp diễn, tiến sĩ cho biết chỉ cần một vài thay đổi cài đặt của Facebook sẽ giúp bạn ít phải đối mặt với những album ảnh và cảm giác tiêu cực này.
Internet đang cô lập bạn
Việc sở hữu một mạng lưới bạn bè rộng trên mạng không đồng nghĩa bạn có nhiều mối quan hệ ngoài đời. Có thể bạn cảm thấy dễ dàng kết nối và giữ liên lạc với một người bạn cũ bằng việc nhắn tin và theo dõi trang cá nhân nhưng trên thực tế những cuộc trò chuyện trực tiếp hay gọi điện thoại lại bị thiếu hụt. Thời gian bạn dành cho mạng internet càng nhiều, thời gian cho những cuộc trò chuyện trực tiếp càng ít. Tiến sĩ Ramani cho biết: "Internet có thể khiến mọi người lầm tưởng việc tương tác trên mạng của họ thực sự đem lại gắn kết nhưng trên thực tế lại hoàn toàn không đúng. Việc không thực sự tham gia vào những buổi gặp mặt sẽ khiến bạn có cảm giác bị cô lập".
Giảm tần suất sử dụng là cách làm hiệu quả xử lí điều này. Thay vì hỏi thăm qua những dòng chat hay bình luận, hãy sử dụng điện thoại như một phương thức liên lạc hiệu quả hơn. Tiến sĩ Ramani cũng bày tỏ quan điểm, chỉ cần một chút thay đổi trong việc giao tiếp, Internet sẽ không có cơ hội hủy hoại sự hài hước cũng như các mối quan hệ của bạn. Nếu bạn cảm thấy mình sôi nổi, hứng thú trước các hoạt động trên mạng nhưng lại tẻ nhạt và lạc lõng trong các mối quan hệ ngoài đời thực, hãy hành động ngay trước khi mọi thứ đi quá tầm kiểm soát. Bạn cũng nên nhớ rằng cô đơn và lạc lõng rất dễ dàng xử lí. Chỉ cần rời bỏ máy tính, bỏ điện thoại xuống khi đang ăn, bạn sẽ có nhiều cơ hội kết nối thực tế với mọi người hơn.
Theo Afamily.
Bình luận