Một cựu quan chức ngành hàng không nhận xét: dù đổ nhiều chi phí để giới thiệu các tính năng mới như quầy check-in tự động, theo dõi hành lí thời gian thực hay ứng dụng di động, các hãng hàng không lại không đầu tư lớn vào việc xây dựng lại hệ thống đặt chỗ máy bay.
Theo ông Scott Nason, cựu Giám đốc CNTT của tập đoàn American Airlines, do phần lớn các hãng đứng trên bờ vực biến mất khỏi ngành nên bất kì khoản đầu tư nào cũng cần phải có kết quả sau thời gian ngắn. Hiện ông đang làm cố vấn độc lập.
Hệ thống đặt chỗ trước của các hãng hàng không lớn chủ yếu chạy trên hệ điều hành đặc biệt của IBM có tên Transaction Processing Facility (TPF). Nó được thiết kế từ những năm 1960 để xử lí lượng lớn giao dịch một cách nhanh chóng và vẫn đang được IBM cập nhật. Bản thân IBM cũng viết lại nền tảng khoảng một thập kỉ trước.
Nhiều tính năng đặc biệt, từ check-in trên di động đến chọn chỗ, nâng cấp khoang, đều xây dựng dựa trên phần nhân TPF hoặc kết nối với nó. Khi một sự cố điện làm tắt hệ thống đặt chỗ - như đã xảy ra với hãng hàng không Delta mới đây, TPF không đồng bộ với các công nghệ mới hơn mà các đại lí du lịch dùng để hỗ trợ hành khách, theo ông Bob Edwards, cựu Giám đốc CNTT United Continental Holdings. Sau đó, họ buộc phải hủy các chuyến bay vì nhân viên của mình đang bị các yêu cầu từ hành khách nhấn chìm như thác cuốn.
Vài năm trước, hãng United mất tới 6 tiếng để khôi phục từ một lần thử nghiệm tắt hệ thống do sự phức tạp của nhiều phần phụ trên nền TPF. Tháng 7/2016, xảy ra sự cố khiến hãng hàng không Southwest phải hủy hơn 2.000 chuyến bay còn mùa hè năm 2015 có 2 sự cố gián đoạn tại United Continental.
Phó Chủ tịch cấp cao IBM Tom Rosamilia khẳng định TPF không phải nguồn gốc hay vấn đề trong các sự cố gần đây và đây là một trong những hệ thống hiện đại, đáng tin cậy nhất trong cơ sở hạ tầng hàng không.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Delta Kate Modola lí giải một đám cháy nhỏ là nguyên nhân dẫn đến sự cố lớn tại trung tâm công nghệ của hãng. Delta buộc phải hủy chuyến vì hệ thống quan trọng không chuyển sang nguồn điện dự phòng như đã định.
Trả lời Reuters, 4 hãng hàng không lớn của Mỹ là American, Delta, United và Southwest, nhấn mạnh đang cập nhật công nghệ. Southwest đang trong quá trình thay thế hệ thống đặt chỗ. Tổng Giám đốc Delta Ed Bastian tiết lộ trong 3 năm qua, hãng đã đầu tư hàng trăm triệu USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ và các hệ thống trong đó có hệ thống dự phòng nhằm tránh các sự cố gián đoạn như mới đây.
Theo Computer Economics, một doanh nghiệp chuyên theo dõi chi phí CNTT, các hãng hàng không Mỹ và Canada dự kiến chi trung bình 33% doanh thu cho CNTT vào năm nay, so với 8% của các ngân hàng thương mại và 4% của các tổ chức y tế. Dù vậy, các chuyên gia vẫn cho rằng mức độ đầu tư như vậy chưa hiệu quả và dẫn đến các sự cố gần đây như bằng chứng rõ nhất.
Một phần khó khăn là các hãng hàng không Mỹ phải chịu áp lực từ nhà đầu tư để gặt hái lợi nhuận kỉ lục, tăng giá cổ phiếu ngay cả khi kinh tế khó khăn làm giảm nhu cầu du lịch. Bên cạnh đó, họ cũng trì hoãn thực hiện các nâng cấp mạng lưới lớn vì lo sợ hệ thống có thể thất bại trong quá trình chuyển đổi.
Henry Hartevedt, nhà sáng lập tập đoàn tư vấn du lịch Atmosphere Research, cho rằng một vài hãng chấp nhận rủi ro khi gặp sự cố, có thể khiến họ tổn thất từ 20 đến 40 triệu USD hơn là đầu tư, chẳng hạn 100 triệu USD, để nâng cấp hệ thống.
Theo ICTnews.
Bình luận