Tự dưng phát nổ, Samsung triệu hồi Note7 toàn cầu
Galaxy Note7 được Samsung phát hành ra thị trường lần đầu tiên vào ngày 19/8 như là lời thách thức của công ty Hàn Quốc đối với iPhone 7 - chiếc smartphone mà Apple dự kiến ra mắt vào tuần tới. Tính đến trước ngày xác nhận sự cố, Samsung ghi nhận có khoảng 2,5 triệu Galaxy Note7 được bán ra trên thị trường toàn cầu, và đó quả là một con số ấn tượng dành cho một sản phẩm cao cấp mà Samsung mới chỉ phát hành trong vài ngày.
Nhưng có lẽ do quá vội vã trong việc phát hành Galaxy Note7 ra thị trường mà Samsung đã bỏ qua một khâu quan trọng trước khi phát hành sản phẩm ra thị trường, đó là kiểm tra an toàn.
Đáng chú ý, trước khi việc thu hồi diễn ra đã có một số báo cáo liên quan đến sự cố cháy nổ Galaxy Note7 khi đang sạc, tuy nhiên dường như Samsung đã đùn đẩy trách nhiệm sang khách hàng với những kết luận cho rằng lỗi không phải do hãng. Đơn cử như vào ngày 25/8, một khách hàng Trung Quốc đã đăng tải trên trang Baidu về hình ảnh chiếc Galaxy Note7 bị bốc cháy khi đang sạc. Nhưng sau khi dựa vào những gì có trong hình ảnh đăng tải, Samsung lại cho rằng nguyên nhân đến từ việc vị khách này đã sử dụng bộ sạc và cáp sạc không do hãng cung cấp.
Chỉ cho đến ngày 1/9, thời điểm mà tự Samsung cho biết đã tiếp nhận 35 trường hợp phản ánh từ người tiêu dùng liên quan đến sự cố thì họ mới luống cuống bắt đầu chữa cháy bằng cái gọi là “thực hiện một quy trình điều tra nghiêm ngặt với các nhà cung cấp để xác định nguồn hàng bị ảnh hưởng trên thị trường”.
Theo Samsung, mặc dù chưa đến 0,1% tỉ lệ thiết bị bị ảnh hưởng nhưng vì sự an toàn của khách hàng mà công ty quyết định đổi mới hoàn toàn sản phẩm bất kể mua từ ngày nào.
Sau sự cố và trước sức ép của dư luận, Samsung đã "hộc tốc" khi đã rất mạnh tay ra quyết định thu hồi toàn bộ Galaxy Note7 đã bán ra thị trường nhằm tạo niềm tin cho khách hàng, nhưng xét trên khía cạnh khá thì đó rõ ràng là một sự thất bại ê chề dành cho công ty đến từ Hàn Quốc.
Không chỉ khiến doanh thu Galaxy Note7 bị ảnh hưởng và giá trị công ty sụt giảm mà nó lại vô tình mang đến nhiều lợi thế dành cho Apple khi công ty chuẩn bị tung ra thị trường loạt iPhone 7.
Như vậy, từ một người đi trước, giờ đây Galaxy Note7 của Samsung bị bỏ lại ở phía sau. Và ngay cả khi sự cố được khắc phục thì niềm tin của khách hàng chắc chắn đã bị lung lay một phần, bởi không ai có thể chắc chắn rằng trong tương lai Galaxy Note7 sẽ không gặp lỗi?
Người tiêu dùng Việt Nam làm gì để bảo vệ quyền lợi?
Trong khi Samsung đã bắt đầu "rục rịch" quá trình thu hồi Galaxy Note7 tại nhiều quốc gia trên thế giới thì đến thời điểm hiện tại, Samsung Vina vẫn chưa có bất cứ động thái nào cũng như thông báo chính thức xung quanh về việc thu hồi Galaxy Note 7 đã bán ra tại thị trường Việt Nam.
Theo ghi nhận của phóng viên Người Đưa tin, trên trang chủ của Samsung Vina đến thời điểm hiện tại cũng chỉ vẻn vẹn vài dòng thông báo qua loa với nội dung chung chung là công ty sẵn sàng đổi mới sản phẩm cho khách hàng “trong thời gian tới’. Cùng với lời khuyến nghị dành cho các "thân chủ" đã chót lỡ mua "siêu phẩm" Galaxy Note7 nếu cảm thấy hoang mang thì có thể mang máy trực tiếp đến Trung tâm Chăm sóc Khách hàng Samsung và liên hệ đường dây nóng 1800 588 889 để được kiểm tra và tư vấn miễn phí?
Cũng theo thông tin chúng tôi có được từ báo cáo của các đối tác bán lẻ tại Việt Nam thì tại thị trường trong nước, tính đến thời điểm hiện nay đã có khoảng vài ngàn Galaxy Note7 được bán ra, và cho đến nay chưa có bất kì sản phẩm nào được bán ở Việt Nam gặp sự cố về pin. Tuy nhiên đã có một vài sản phẩm gặp sự cố khởi động lại, và Samsung đã thực hiện việc đổi máy mới trong diện này.
Trao đổi với chúng tôi xoay quanh về câu hỏi người tiêu dùng Việt Nam phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình trong trường hợp gặp sự cố này? Ông Lê Quang Vy, Luật sư thành viên Công ty Luật Phước&Partners chia sẻ, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được luật hoá, quy định rõ tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá phải đảm bảo chất lượng của sản phẩm, phải có trách nhiệm thu hồi hàng hoá có khuyết tật và bồi thường thiệt hại, nếu có. Ngay tại Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chỉ rõ một trong những quyền cơ bản và quan trọng của người tiêu dùng là “được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hoá, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp”.
Luật cũng quy định, khi phát hiện hàng hoá có khuyết tật, không bảo đảm an toàn, người tiêu dùng có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải sửa chữa, đổi vật có khuyết tật, giảm giá và bồi thường thiệt hại. Bên cạnh đó, người tiêu dùng có thể tố cáo tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền như cơ quan quản lí thị trường địa phương, thanh tra sở công thương... để các cơ quan này xem xét xử lí trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm theo quy định pháp luật.
Theo Người Đưa Tin.
Bình luận