Một giảng viên đại học Trung Quốc đang sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt với các sinh viên của anh để xem liệu họ có chán học trong giờ lên lớp hay không. Anh nói, phương pháp này có thể ứng dụng rộng hơn trong giáo dục.
Theo báo Telegraph, Wei Xiaoyong, giảng viên môn tin học tại Đại học Tứ Xuyên, Trung Quốc đã phát triển thiết bị "đọc khuôn mặt" để nhận diện cảm xúc của các sinh viên. Thiết bị này tạo ra một đồ thị cho mỗi sinh viên, cho thấy họ có vui hoặc buồn chán không.
Anh Xiaoyong giải thích: "Khi liên kết loại thông tin này với cách dạy, đồng thời sử dụng biểu đồ theo trình tự thời gian, chúng tôi sẽ biết khi nào mình đang thực sự thu hút sự chú ý của các sinh viên. Khi đó, chúng tôi có thể suy luận ra xem đó có phải là cách tối ưu để dạy nội dụng cụ thể ấy hoặc đó có phải là nội dung thích hợp để dạy cho các sinh viên trong lớp học ấy".
Xiaoyong bắt đầu sử dụng công nghệ theo dõi khuôn mặt cách đây 5 năm nhằm kiểm tra sự chuyên cần của sinh viên, với hi vọng tạo ra một phương páp "ít nhàm chán và tốn thời gian hơn". Theo vị giảng viên này, công nghệ có thể được ứng dụng cho hàng loạt ngành khoa học xã hội, công việc liên quan đến tâm lí học cũng như giáo dục.
Đây không phải là lần đầu tiên công nghệ được dùng để kiểm tra mức độ buồn chán của các đối tượng cụ thể. Các chuyên gia ngôn ngữ hình thể phát hiện, mức độ hứng thú của một người có thể được xác định thông qua "các cử động cực nhỏ", chẳng hạn như đôi chân ngọ ngoạy hay bồn chồn. Một người càng bị thu hút vào những gì xuất hiện trên màn hình máy tính, họ càng ít cử động.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng các camera và một thuật toán để phát hiện sự buồn chán của người dùng. Họ tuyên bố, một ngày nào đó, chính các máy tính cũng có thể giám sát mức độ hứng thú của chúng ta.
Theo Vietnamnet.
Bình luận