Sau khi iPhone 7 ra mắt với không nhiều thay đổi đáng kể, nhiều người tỏ ý chỉ trích Apple nhàm chán và hết sáng tạo. Số khác cho rằng Táo khuyết đã nâng cấp những chi tiết đắt giá, đáp ứng nhu cầu và yêu cầu người dùng.
Nhưng đó có phải sự thật?
Tai nghe 3,5 mm
Khác với những sự kiện trước, Apple lần này không dẫn dắt người dùng bằng những con số cụ thể, chi tiết, thuyết phục họ thấy nhu cầu thay đổi một chi tiết là cần thiết.
Phil Schiller đưa ra 1 con số: 900 triệu thiết bị đã sử dụng cổng Lightning. Con số ấn tượng, nhưng đặt ngoài bối cảnh buổi giới thiệu, nó có thể bao gồm tất cả các iDevice từ trước đến nay, chứ không mang nhiều ý nghĩa toàn cảnh thị trường, và hẳn nhiên không thể hiện được nhu cầu của người dùng.
Không nói về người dùng, Apple nói nhiều về bản thân mình, về sự "dũng cảm" cần thiết để xóa bỏ chuẩn mực mới. Theo Phil, một chuẩn cổng cắm "già cỗi" là không tương thích với các chi tiết khác, vốn đã là "cao cấp" (premium) trên chiếc iPhone.
Phil đặt lên vai Apple một sứ mạng quan trọng, là "nâng cấp trải nghiệm không dây cho người dùng" hay "thúc đẩy nền công nghiệp không dây".
Nhưng người dùng sẽ được hưởng lợi ích gì, chất lượng âm thanh so sánh với chuẩn cũ ra sao, tất cả đều không được nhắc đến.
Điểm người dùng nhớ nhất có lẽ chính là chiếc tai nghe không dây AirPods mà Apple đã giới thiệu ngay sau đó với mức giá 159 USD. Chiếc tai nghe được sản xuất bởi Beats, công ty được Apple mua lại năm ngoái với mức giá 3 tỉ USD.
Một câu hỏi lập tức được đặt ra, phải chăng đến cuối cùng, những lời tuyên bố hoa mĩ của Apple chỉ để nhằm "gỡ vốn" với bộ tai nghe gần như bắt buộc người dùng iPhone 7 phải trang bị?
Tất nhiên, theo chiều hướng khác, Apple có thể thực sự đang muốn tạo nên cuộc cách mạng âm thanh mới.
Vince Ponzo, Chủ tịch cấp cao chương trình doanh nhân của Trường Kinh doanh Columbia phát biểu trên NewsFactor: "Đây là chuyện rất lớn, khi tên tuổi smartphone lớn nhất thế giới (Apple) loại bỏ một chi tiết công nghệ nào đó, nó sẽ là một bước tiến lớn đối với công nghệ và cả ngành công nghiệp".
Phím Home
Tương tự như cổng cắm tai nghe 3,5 mm, Apple không đưa ra bất kì bằng chứng, con số nào để thuyết phục người dùng về thay đổi phím Home cảm ứng lực.
Phil chỉ nói ngắn gọn, nút Home được thiết kế lại hoàn toàn để "phản ứng tốt hơn, đáng tin hơn và cho khả năng cá nhân hóa cao hơn". Apple không quên khẳng định đây là những công nghệ "tốt nhất" mà họ mang từ MacBook sang.
Thế nhưng, những phản ứng ban đầu không thực sự tích cực, The Verge cho rằng nút Home mới "gây khó chịu và khó dùng hơn nút Home cũ", The Mac Observers dù đánh giá cao những thay đổi, nhưng vẫn cho rằng khả năng phản ứng là "đáng thất vọng".
Chống nước
Sau quá nhiều mong chờ, iPhone 7 đã có chuẩn chống nước IP67. Nhiều trang công nghệ thở phào, vì sau bao nhiêu than vãn của các fan, cuối cùng Apple đã "lắng nghe" họ.
Tuy nhiên, nếu xem xét lại, tiêu chuẩn này mang tính xác tín nhiều hơn là một tính năng mới hoàn toàn.
Dù không chính thức, bộ đôi iPhone 6S đã có khả năng chịu nước đáng kể. Thử nghiệm năm ngoái của MacRumors cho thấy bộ đôi thiết bị này có thể được ngâm nước khoảng 1h mà vẫn hoạt động tốt, ở độ sâu thử nghiệm 1,5 m, iPhone 6S và 6S Plus có thể sống được khoảng 2,5 phút, tăng rất đáng kể so với iPhone 6.
Khi iFixit tháo bung iPhone 6S, họ phát hiện nhiều phần cao su được tích hợp quanh nhiều bộ phận bên trong, chứng tỏ Apple đã quan tâm chuyện chống nước trên iPhone 6S từ lâu.
TrustedReviews cho rằng, chuẩn IP67 theo lí thuyết sẽ giúp iPhone 7 "sống" được khoảng 30 phút ở độ sâu 1m dưới nước. Nhiều người cho rằng chuẩn này thua thiệt nhiều so với IP68 trên các flagship của Samsung, vốn cho phép chịu nước 30 phút ở độ sâu 1,5m.
Nhưng thực tế, chuẩn này vốn đã không có nhiều ý nghĩa, dùng iPhone 7 ở độ sâu 1m trong 30 phút là tình huống rất ít xảy ra. Và Apple sẽ không bảo hành iPhone 7 nếu có sự cố liên quan đến nước.
Do đó, dù có vẻ rất ổn về mặt quảng bá và làm yên lòng các fan, chuẩn IP67 này không thực sự tạo ra nhiều khác biệt, có chăng, nó giúp người dùng yên tâm hơn khi dùng dưới mưa, hoặc lỡ tay đổ nước, theo Cnet.
Camera kép
Camera kép trên iPhone 7 Plus được coi là điểm sáng giá mà Apple mang đến lần này. Theo The Telegraph UK, camera này mang nhiều công nghệ cao cấp và sẽ giúp iPhone 7 khắc phục đa số các nhược điểm trên iPhone đời trước.
Họ cũng nhấn mạnh, đa số các thay đổi này đến từ camera thứ hai, hay dùng len "telephoto" 56mm f/2.8.
Vấn đề chính ở chỗ này, camera trên iPhone 7 thường vẫn được nâng cấp, với ống kính 12MP, len 28mm f/1.8, người dùng bắt buộc phải mua bản Plus để có được trải nghiệm tốt nhất.
Đây là lần đầu tiên Apple phân biệt rất rạch ròi 2 sản phẩm này, ở iPhone 6S, cả 2 phiên bản hoàn toàn giống nhau về phần cứng, bản Plus chỉ nhỉnh hơn ở OIS.
Những nâng cấp nhỏ khác
Không khó để thấy Apple cố gắng mang điều gì đó "tốt hơn" đến với iPhone 7, chip A10 nhanh hơn 50% so với A9, GPU tốt hơn, pin tăng thêm 1 tiếng và các màu sắc mới.
Những điểm này tất nhiên là tốt, nhưng thực tế, đó là điều Apple phải làm mỗi đợt nâng cấp, không phải một thứ gì đó khiến người dùng vỡ òa trong bất ngờ.
Và thậm chí Apple không giấu diếm ý định "móc túi" người dùng, như đã phân tích từ BGR, phiên bản 32 GB thực tế không phải nâng cấp quá lớn, mà chỉ mang tính kích cầu cho các phiên bản sau.
Màu sắc được mong chờ nhất, và cũng hiện đang cháy hàng là Jet Black, kì lạ thay lại không được hỗ trợ bản ROM 32 GB, phiên bản 128 GB đắt hơn 100 USD lại không đủ để bán. Liệu Apple thực sự không tính toán được nhu cầu người dùng, hay lại là một chiêu trò gì đó khác?
Một lần nữa, câu hỏi cũ lại được đặt ra, phải chăng iPhone 7 chỉ là nước cờ câu giờ để Apple ra mắt chiếc iPhone hoành tráng hơn vào năm 2017.
Theo Zing.
Bình luận