Nên mua điện thoại nào, đây là câu hỏi khó trả lời khi các điện thoại Android gần đây mọc lên như nấm sau mưa và một vài trường hợp còn đánh bại iPhone về thiết kế lẫn tính năng. Tuy nhiên, vẫn có một thứ cơ bản và quan trọng khiến nhiều người không ngại ngần gợi ý iPhone thay vì Android, đó là hệ sinh thái iOS.
iOS là nền tảng duy nhất có hỗ trợ từ lập trình viên tốt nhất và được cập nhật liên tục trong suốt vòng đời thiết bị. Android không thể làm điều đó, thực tế nhiều smartphone Android ngừng được nâng cấp phần mềm chỉ sau khoảng 1 năm.
“Hệ sinh thái Android bị phân mảnh”, câu nhận xét này đã quá cũ nhưng cho đến nay vẫn đúng. Bộ đôi điện thoại mới của Google, Pixel và Pixel XL, được thiết kế để thay đổi định kiến đó và cho cả thế giới thấy Android nên như thế nào, nó là bản hợp âm của phần cứng và phần mềm. Một cách tiếp cận rất giống Apple và là hướng đi đúng.
Nghe có vẻ Pixel khá hấp dẫn nhưng đa số công chúng sẽ không nhận ra đâu là điểm cạnh tranh của Pixel so với Samsung hay các thương hiệu Android khác. Pixel còn không phải mối đe dọa với Huawei tại Trung Quốc hay Samsung trên toàn cầu. Samsung chi hàng trăm triệu USD cho tiếp thị mỗi năm còn Google không bao giờ bỏ ra nhiều tiền như thế cho Pixel. Điện thoại mới của Google cũng không được phân phối rộng rãi như Samsung. Ở Mỹ, chỉ mua được Pixel tại Verizon hoặc website Google.
Với tác động nhỏ như vậy đến thị trường Android, rất khó nhìn thấy Pixel sẽ thúc đẩy tầm nhìn Android của Google đi lên như thế nào. Nếu muốn những gì tốt nhất trên Android và nhận được cập nhật ngay khi có gì mới, Pixel là thiết bị lí tưởng nhưng nó là cách duy nhất để bạn đạt được mong muốn.
Google vẫn gần như không có quyền kiểm soát Android, Pixel không thể giúp ích gì để thay đổi điều đó. Nó có thể phục vụ như một hình mẫu để các đối tác Android của Google hướng tới nhưng cũng có thể bị họ “ngó lơ”. Nó không có lợi cho Samsung khi cho ra đời một mẫu điện thoại giống mọi mẫu khác khi hãng muốn tách mình ra khỏi đám đông.
Thứ mà Google nên làm để nắm quyền điều khiển Android nhiều hơn là giới hạn mức độ tùy chỉnh tính năng trong Android của nhà sản xuất, buộc đối tác phải phát hành bản cập nhật phần mềm ngay khi có, đặt các dịch vụ Google như Gmail, Hangouts làm mặc định.
Quyết định của Google có thể khiến Samsung, LG… giận dữ nhưng họ không có nhiều lựa chọn. Nếu không hài lòng, họ tự phát minh ra một hệ điều hành di động mới nhưng bất kì ai từng thử xây dựng đế chế thứ ba bên cạnh iOS và Android đều thất bại. Hãy hỏi Palm, Mozilla, BlackBerry và Microsoft. Google có tất cả lợi thế, chỉ là họ không sử dụng chúng.
Trong khi Google chưa làm gì, Android tiếp tục là một mớ hỗn độn như từ trước đến nay vẫn thế và là hệ sinh thái yếu thế hơn iOS.
Theo ICTnews.
Bình luận