Vụ hack Yahoo gây chấn động giới bảo mật và tình báo.

Thực tế, không phải tới khi vụ việc bại lộ Yahoo mới nhận được cảnh báo. Hơn một năm qua, giới bảo mật liên tục nhắc nhở Yahoo về nguy cơ tài khoản người dùng bị xâm nhập. Thậm chí, nó giống như hiệu ứng domino khi bạn bè hoặc người thân của họ cũng bị vạ lây.

Ngày nay, bất cứ ai đều có thể trở thành mục tiêu của hacker do chính phủ hậu thuẫn. Chỉ cần bám dính tài khoản cá nhân của những người thậm chí có rất ít liên hệ với nhân vật quyền lực cũng sẽ là "mỏ vàng" đáng giá.

Đơn cử như vụ tấn công e-mail cá nhân của Ian Mellul mới đây. Anh vốn là nhân vật cấp thấp của Đảng Dân chủ, nhưng từ e-mail cá nhân lại lộ ra các thông tin về lịch làm việc của phó tổng thống Mỹ Joseph Biden, ứng viên Hillary Clinton, hay thậm chí cả thông tin và hình ảnh hộ chiếu của đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama.

Từ đó phát sinh thử thách đau đầu khác với giới chức chính phủ nói chung và các hãng cung cấp dịch vụ kĩ thuật số nói riêng. Đó là trong khi các tài liệu tuyệt mật thường được lưu ở những hệ thống an toàn, thì những thông tin trao đổi qua tài khoản e-mail cá nhân rất dễ bị tổn thương.

Săn mồi

Rất khó có thể, nhưng không phải không thể, dự đoán thông tin mà người dùng có liên quan trao đổi với nhau qua thư từ cá nhân. Mối liên hệ đó luôn được giới tình báo nước ngoài khai thác để lấy bằng được các thông tin quý giá.

Ảnh
500 triệu tài khoản Yahoo đã bị hack.

Còn nhớ năm 2014, Yahoo điều tra các vụ hack vào hàng chục tài khoản Yahoo cá nhân mà thủ phạm không ai khác chính là hacker Nga. Vụ việc nhỏ lẻ này sau đó có liên quan tới vụ tấn công lớn hơn vào các mục tiêu quan trọng hơn.

Rõ ràng, vụ hack Yahoo chẳng có nghĩa lí gì nhưng nếu kết hợp các dữ liệu đánh cắp từ Yahoo với dữ liệu từ nhiều nguồn khác, sẽ có khối chuyện xảy ra.

Sean Kanuc, cựu quan chức tình báo quốc gia Hoa Kì, nói rằng các hacker do chính phủ nước ngoài hậu thuẫn có thể lồng ghép dữ liệu từ tài khoản Yahoo bị đánh cắp với dữ liệu có sẵn hoặc thông tin trong thế giới ngầm cho nhiều mục đích khác nhau.

Trong vòng hai năm kể từ khi Yahoo tin rằng các hacker lần đầu thâm nhập vào hệ thống của họ, có hàng chục triệu bản ghi liên quan tới những công ty bảo hiểm lớn như Anthem và Premera Blue Cross bị "hacker chính phủ" đánh cắp.

Các bản ghi này bao gồm số thẻ an ninh xã hội, hồ sơ bệnh án, ngày sinh, địa chỉ, e-mail, mật khẩu, thông tin tuyển dụng…, nói chung là tất cả thông tin mà người ta cần biết về một con người cụ thể.

Những "tin tặc chính phủ" này còn thu thập lượng lớn các hồ sơ an ninh, thậm chí cả dấu vân tay trong hơn một năm đột nhập vào hệ thống máy tính của Văn phòng Quản lí Nhân sự Hoa Kì (OPM).

Chưa dừng ở đó, chính những hacker này đã xâm nhập vào hệ thống máy tính các công ty luật và kiểm toán Hoa Kì, và thậm chí năm ngoái còn đánh cắp thông tin hàng triệu khách hàng hãng hàng không United Airlines.

Ảnh
Thủ phạm được cho là tin tặc do chính phủ nước ngoài hậu thuẫn.

Những vụ thu thập dữ liệu điên cuồng này có vẻ không dính dáng tới nhau nhưng không khó tạo ra các liên kết thông tin ngẫu nhiên khi sử dụng công nghệ xâu chuỗi dữ liệu.

Không chỉ doanh nghiệp mới sử dụng dữ liệu lớn để nhận biết nhu cầu khách hàng dựa trên lịch sử mua hàng trước đó, mà cơ quan điệp vụ cũng dùng dữ liệu lớn để tạo liên kết tới nguồn tin tình báo hữu ích.

Palantir, một công ty có trụ sở tại Palo Alto, California, đã bán công nghệ này cho các cơ quan tình báo Hoa Kì, cho phép họ có thể đối sánh các bản ghi du lịch với dữ liệu cá nhân để xác định những kẻ khủng bố tiềm tàng.

Những âm mưu thâm hiểm

Tuy nói rằng thủ phạm là hacker chính phủ nhưng Yahoo không nói rõ đó là hacker từ nước nào hoặc họ đang làm việc cho ai. Với 500 triệu bản ghi khách hàng bị đánh cắp, đây có thể là bước leo thang mới để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh mạng giữa quốc gia với nhau.

Giới tình báo có thể sử dụng những thông tin trên cho nhiều mục đích khác nhau, kể cả cho mục đích bất hợp pháp. Chẳng hạn họ có thể đối sánh các chuyến bay quốc tế do quan chức nước đó ghi lại với dữ liệu của phía Mỹ tới cùng một thành phố ở cùng một thời điểm để tìm ra sự gian dối.

Rồi họ cũng có thể sâu chuỗi thông tin lấy trên trang hẹn hò Ashley Madison (bị hack năm ngoái) với dữ liệu cá nhân trong tài khoản Yahoo của quan chức chính phủ, nhà thầu hoặc các mục tiêu cần triệt hạ để tống tiền hoặc ép buộc họ làm chuyện phi pháp.

Ảnh
Các hãng công nghệ Mỹ luôn là mục tiêu đắt giá của tin tặc.

Lo ngại lớn nhất mà giới tình báo Hoa Kì hướng tới chính là tác động của vụ đánh cắp dữ liệu tới bức tranh chính trị toàn cầu. Không quá khó hiểu khi phía Mỹ cho rằng những hành động này xuất phát từ Nga hoặc Trung Quốc.

Nga được cho là có các nhóm hacker do chính phủ hậu thuẫn như APT28, Fancy Bear và Pawn Storm. Các nhóm này thường sử dụng tài khoản webmail cá nhân bị đánh cắp của nhân viên chính phủ, vợ hoặc chồng của nhân viên đó, hay thậm chí là đồng nghiệp để lần tới các mục tiêu cao hơn.

Trong vài tháng qua, các nhóm hacker này được cho là thủ phạm tấn công hệ thống máy tính Ủy ban Quốc gia Dân chủ Hoa Kì (DNC), Nhà Trắng và Cơ quan Phòng chống Doping Thế giới (WADA).

Năm ngoái, các nhóm hacker Nga còn tiếp cận thông tin cá nhân của 2.600 thành viên ưu tú ở Washington, bao gồm giới vận động hành lang, cánh nhà báo, quan chức, nhà thầu và thậm chí cả vợ chồng của họ.

Trong số các mục tiêu đó có cả cựu ngoại trưởng Hoa Kì Colin Powell. Các thông tin cá nhân từ e-mail riêng của ông Powell đã bị công khai cách đây ít ngày.

Nhà Trắng đang cảm thấy nóng mặt bởi mức độ tinh vi của hacker nước ngoài. Tất cả những người liên quan tới họ đều bị khai thác chỉ để phục vụ cho mục đích duy nhất: tiếp cận "con mồi" lớn hơn trong chính phủ.

Theo Zing.




Bình luận

  • TTCN (0)