Apple Watch

Theo tờ Time, trong một nghiên cứu của Trung tâm phục hồi tim mạch Cleveland Clinic, 50 người trưởng thành khỏe mạnh được kết nối với một máy điện tâm đồ (EKG) được coi là chính xác nhất để đo nhịp tim. Sau đó, kết quả của các máy EKG được đem so sánh với kết quả thu được trên các thiết bị đeo sức khỏe như Fibit Charge HR, Apple Watch, Mio Alpha và Basis Peak cũng như những thiết bị đeo trên ngực. Kết quả nhịp tim từ các loại máy này được đo đi đo lại 3 lần ở các mức độ hoạt động khác nhau: nghỉ ngơi, đi bộ và chạy bộ trên máy chạy.

Kết quả cuối cùng, máy kiểm tra nhịp tim đeo trên ngực có kết quả chuẩn xác nhất với độ chính xác lên tới 99% so với kết quả thu được từ máy EKG. Về các thiết bị đeo, Apple Watch tỏ ra nổi bật với kết quả chính xác lên tới 90%. Các sản phẩm khác chỉ có kết quả chính xác dưới 80%, theo Giáo sư Gordon Blackburn, một trong những tác giả của nghiên cứu kiêm giám đốc Trung tâm phục hồi tim mạch Cleveland Clinic.

Điều đáng chú ý là mức độ chính xác của các thiết bị này giảm xuống khi cường độ hoạt động của người dùng tăng lên. Ông Blackburn giải thích rằng “một số công nghệ đeo cổ tay chẳng hề chính xác chút nào”. Một lý do cho những vấn đề này, theo ông Blackburn đó là, các thiết bị đeo thường chỉ nhìn vào lượng máu chảy qua cổ tay để đo nhịp tim. Thế nên khi các hoạt động tăng lên thì khả năng tiếp xúc của cổ tay với thiết bị đeo có thể giảm đi, nên máy đã bị lỡ một số nhịp.

Apple chưa có bình luận gì về kết quả nghiên cứu của Cleveland Clinic thế nhưng trong một tuyên bố phát đi, Fitbit cho biết các máy theo dõi của hãng “không được sản xuất để trở thành những thiết bị y tế” và cũng lưu ý rằng sự thoải mái mà các thiết bị theo dõi sức khỏe đeo cổ tay mang lại lớn hơn rất nhiều so với các thiết bị đeo trên ngực. Tuy nhiên, Fitbit cũng cho biết những cuộc kiểm tra nội bộ chỉ ra rằng tỉ lệ chính xác của thiết bị này lên tới 94%.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)