Sự cố Galaxy Note 7 là điều khiến người dân Hàn Quốc cảm thấy cực kì thất vọng

Ông Kim Jeong-min, một cựu giáo viên 58 tuổi người Hàn Quốc cho biết đã cảm thấy ‘nhục’ khi nhìn thấy bản tin phát tại sân bay Narita (Nhật Bản) nói rằng smartphone Galaxy Note 7 của Samsung Electronics bị cấm trên máy bay.

Mặc dù không sở hữu Galaxy Note 7, nhưng phản ứng của ông Kim là điển hình cho cảm xúc mãnh liệt mà người Hàn Quốc nghĩ về Samsung - công ty nổi bật nhất của xứ sở Kim Chi kể từ khi quốc gia này trở thành một cường quốc công nghệ cao trên toàn cầu.

Samsung là công ty lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất của Hàn Quốc, khiến nhiều người dân tại đây luôn tự hào và thậm chí cho rằng họ đang sống trong ‘Cộng hòa Samsung’ - xem Samsung như là quốc gia họ đang sinh sống.

Cuộc sống thực sự có thể bắt đầu và kết thúc với Samsung: Người ta sinh ra trong bệnh viện Samsung, học tại một Đại học Samsung, hưởng tuần trăng mật tại khách sạn Samsung, mua căn hộ do Samsung xây dựng, đưa con tới công viên giải trí Samsung, và thậm chí tổ chức buổi tang lễ tại nhà tang lễ Samsung.

Ảnh
Tại Hàn Quốc, Samsung có mặt ở mọi nơi, bao gồm cả bệnh viện hay nhà tang lễ

Samsung đã phát triển từ một nhà máy lắp ráp sơ sài đến một nhà sản xuất hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực tivi màn hình phẳng, chip máy tính và smartphone. Đó là nguồn gốc của niềm tự hào mà người dân Hàn Quốc nghĩ về Samsung. Năm ngoái, Samsung chiếm 20% doanh thu xuất khẩu của Hàn Quốc với số tiền lên đến 527 triệu USD. Nhưng điều đó đã bị sứt mẻ khi Samsung thu hồi hơn 3 triệu smartphone Galaxy Note 7 trên toàn cầu và quyết định khai tử sản phẩm vì sự cố bốc cháy.

“Đây không chỉ là vấn đề của Samsung. Nó gây khó cho toàn bộ nền kinh tế Hàn Quốc. Bởi vì mọi người tự hào về Samsung như là một thương hiệu đại diện cho Hàn Quốc”, ứng cử viên tổng thống Moon Jae-in nhận xét về cuộc khủng hoảng của Samsung.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cũng vừa lên tiếng lo ngại về tác động của Galaxy Note 7 với hoạt động xuất khẩu. Quốc gia này đang có tỉ lệ thất nghiệp tăng cao trong thời gian qua, đặc biệt sau sự phá sản của Hanjin - một công ty vận tải trên biển lớn. Nhà máy đóng tàu của Hanjin đã sa thải hàng ngàn nhân viên sau khi công bố thua lỗ lớn vì đơn đặt hàng ít và vấp phải sự cạnh tranh từ các đối thủ Trung Quốc có chi phí thấp hơn.

Ảnh
Hanjin từng là tượng đài trong ngành công nghiệp vận tải trên biển của Hàn Quốc, nhưng đã phải phá sản do sức ép từ các đối thủ Trung Quốc

Samsung là thương hiệu nổi bật nhất Hàn Quốc, xếp thứ 7/100 thương hiệu tốt nhất toàn cầu, theo công ty tư vấn thương hiệu Interband. Smartphone Galaxy đã nâng giá trị thương hiệu của Samsung nổi bật hơn bất kì sản phẩm khác tại Hàn Quốc. Sau khi vượt Sony và các công ty khác của Nhật Bản, Samsung đã phát triển đủ mạnh để thách thức Apple - một biểu tượng cho sự đổi mới của Mỹ.

Nhưng rồi mọi thứ đã thay đổi chóng vánh khi Galaxy Note 7 bị thu hồi với chi phí thiệt hại ước tính 6,2 tỉ USD - một bài học đau đớn cho tham vọng thống trị ngành công nghiệp toàn cầu của Samsung.

Tuy nhiên cũng có một số người tin tưởng vào Samsung. Chủ một cửa hàng di động ở Seoul Park Bo-yeon (29 tuổi) cho biết “Tất cả các công ty sản xuất, bao gồm cả Mỹ và Nhật Bản, đều gặp sai lầm. Điều quan trọng là bạn học được điều gì từ đó. Samsung luôn có điều này”.

Cô Park nghi ngờ rằng sự thất bại của Note 7 đã được thổi phồng bởi các phương tiện truyền thông Mỹ, với mục tiêu tận diệt Samsung. Cô Park thất vọng rằng Samsung đã không giải thích tại sao một số Galaxy Note 7 nóng lên và bốc cháy, nhưng quyết định khai tử Galaxy Note 7 là một điều dũng cảm để bảo vệ tính mạng người tiêu dùng của Samsung.

Nhưng một số người lại lên án Samsung. Họ xem Samsung thể hiện một lòng tham và bí mật. Với họ, Samsung đã tàn nhẫn ép nhiều nhà cung cấp phụ kiện trong nước. Quan trọng hơn, Samsung không bao giờ dập tắt suy nghĩ về hình ảnh công ty như là một kẻ bắt chước, mặc dù hiệu quả mang lại là khá cao. Đó là lí do khiến công ty Hàn Quốc được lệnh phải thanh toán cho Apple số tiền thiệt hại lên đến 548 triệu USD vì vi phạm bằng sáng chế thiết kế iPhone.

Ảnh
Ngành công nghiệp Trung Quốc đang học theo từng bước đi mà Samsung đã làm trước đây

Thảm họa Note 7 làm tăng thêm nghi ngờ về danh tiếng của Samsung. Nó cũng nhắc nhở người Hàn Quốc rằng nền kinh tế định hướng xuất khẩu này phụ thuộc quá nhiều vào Samsung và để kiểm soát bởi một số tập đoàn ‘gia đình trị’.

Samsung là tập đoàn ‘gia đình trị’ thành công nhất tại Hàn Quốc. Họ dẫn đầu xu hướng công nghiệp hóa của Hàn Quốc bằng cách sao chép sản phẩm từ các đối thủ cạnh tranh nước ngoài, nhưng có giá bán rẻ hơn, tốt hơn và nhanh hơn.

Thế nhưng, chính mô hình này lại đang được các công ty công nghệ Trung Quốc áp dụng để đe dọa ngành công nghiệp đã bị thống trị bởi Hàn Quốc. Họ cũng đóng tàu, nghiên cứu bán dẫn và smartphone. Khi mà Samsung không ngừng phát triển để bắt kịp với sự đổi mới của Apple thì họ cũng phải vật lộn để đấu tranh với các đối thủ Trung Quốc.

Và với người Hàn Quốc, thất bại trong Galaxy Note 7 là một cú ngã đau đớn trong cuộc đua đó. “Galaxy Note 7 đã cho thấy giới hạn mà chúng ta đang gặp”, ông Kim nhận xét.

Theo Người Đưa Tin.




Bình luận

  • TTCN (0)