Điện thoại di động, đặc biệt là điện thoại thông minh, đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hiện đại.
Nhiếp ảnh gia Stefan Wermuth của Reuters đã lang thang khắp London (Anh) để ghi lại hình ảnh những cư dân thành phố và chiếc điện thoại bất ly thân của họ.
Bộ ảnh của Wermuth cho thấy những con người thành thị gắn chặt với chiếc điện thoại của họ trên đường phố, ở bến xe, trong quán ăn, thậm chí cả lúc tụ tập bạn bè.
Một cuộc khảo sát năm 2014 của hãng marketing Tecmark (Anh) cho thấy mỗi người dùng cầm đến chiếc điện thoại thông minh của họ khoảng 1.500 lần/tuần. Người sử dụng có thói quen kiểm tra điện thoại ngay sau khi thức giấc vào buổi sáng. Trước khi rời khỏi giường, phần lớn mọi người đều đã đọc qua tin tức, kiểm tra thời tiết và gửi 1,2 tin nhắn cho bạn bè.
Thời gian sử dụng điện thoại trung bình của những người tham gia khảo sát là hơn 3 giờ/ngày, chính vì vậy, hầu hết họ cảm thấy thiếu vắng nếu không có điện thoại bên cạnh.
Một số người thú nhận họ cầm đến điện thoại và chạm vào màn hình mà không ý thức được mình muốn gì. 2/3 số người được hỏi cho biết họ thường xuyên vào Facebook và "lướt" mà không suy nghĩ gì.
Trong khi đó, một cuộc khảo sát do Deloitte tiến hành cuối năm 2015 tại Mỹ cho thấy người Mỹ trung bình nhìn vào điện thoại thông minh của họ 46 lần/ngày. Vào năm 2015, việc phổ biến nhất người ta làm khi cầm đến điện thoại vào buổi sáng là nhắn tin, thay vì kiểm tra email như năm 2014.
Mỗi người dùng điện thoại thông minh thường có trong máy của họ hàng chục đến hàng trăm ứng dụng. Nhưng một khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường Forrester, thực hiện tại Anh và Mỹ, cho thấy trong 80% thời gian sử dụng điện thoại của người dùng, họ chỉ sử dụng 5 ứng dụng.
Ứng dụng phổ biến nhất là Facebook, tiếp theo là các ứng dụng nhắn tin như WhatsApp và Snapchat.
Phần lớn mọi người sử dụng điện thoại nhiều hơn họ ý thức được.
Một nghiên cứu của Đại học Derby cho rằng sự phụ thuộc ngày càng cao độ của vào điện thoại thông minh có thể dẫn đến tâm tính bất thường, nỗi cô đơn và sự ghen tị.
Tiến sĩ tâm lí học Zaheer Hussain của Đại học Derby cho rằng sự ái kỉ cao độ - biểu hiện qua việc yêu thích bản thân quá mức - cũng là một triệu chứng của việc nghiện điện thoại thông minh.
Theo Zing.
Bình luận