Năm 2007, Apple ra mắt chiếc iPhone đầu tiên và khẳng định "tái phát minh lại điện thoại”. Thế giới khi đó sửng sốt trước bước đi táo bạo của hãng và nhanh chóng bị cuốn theo.
Không chỉ phá vỡ những quy chuẩn từng được tạo ra bởi Nokia hay BlackBerry, iPhone khi đó còn được hình thành nhờ sự bảo mật nghiêm ngặt từ Apple. Điều đó khiến các ông lớn di động bấy giờ không kịp trở tay.
Trả lời cho câu hỏi trên Quora, Terry Lamber - cựu nhân viên kĩ thuật của Apple, tiết lộ một phần quy trình giữ bí mật của Apple. Ông đầu quân cho hãng từ năm 2006, phát triển hệ điều hành iOS trong giai đoạn rà soát và sửa lỗi.
“Các bộ đồ màu đen” là cụm từ Terry Lambert nhấn mạnh khi được hỏi về thế hệ iPhone đầu tiên. Apple khi đó rất nghiêm ngặt trong việc giữ bí mật dự án, biện pháp đầu tiên được áp dụng là sử dụng đồng phục màu đen.
“Nếu bạn làm việc ở Apple, nhân viên mặc đồ đen là cách để hãng bảo vệ dự án bí mật. Bạn sẽ phải giả vờ không nhìn thấy họ. Tôi chỉ được nhìn thấy các cỗ máy làm công việc gỡ lỗi chứ không hoàn toàn cả dự án. Điều duy nhất tôi biết là chúng sử dụng cấu trúc vi xử lí ARM”, Terry chia sẻ.
Ngoài quy định trang phục, Apple còn yêu cầu nhân viên cam kết không tiết lộ về dự án. Các nhóm được đặt tên mã nội bộ khác nhau, nhằm ngăn chặn nhân viên có ý muốn tiết lộ thông tin ra ngoài.
Theo Terry, bên trong phòng thí nghiệm chính của Apple còn có phòng “bí mật” khác. Đó là nơi chỉ những ai được phép mới có thể vào. Tất nhiên khi làm việc tại đây, nhân viên vẫn không thấy toàn bộ dự án hay sản phẩm cụ thể của Apple, chúng chỉ là những nguyên mẫu (prototype) trên các tấm nhựa.
Tuy nhiên, khả năng giữ bí mật về sản phẩm của Apple đã bị "mai một" dần sau khi Steve Jobs qua đời. Apple dưới thời Tim Cook vẫn kín tiếng ở đại bản doanh, nhưng thiết kế sản phẩm thường bị rò rỉ từ các nhà máy ở Trung Quốc. Dù Apple có nhiều “biện pháp” bảo vệ các dự án hay vũ khí bí mật của mình, thông tin về chúng vẫn xuất hiện dày đặc trên báo chí .
Theo Zing.
Bình luận