Anh Bùi Minh Tuấn (Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã khiến YouTube đóng cửa kênh của VTV do vi phạm bản quyền.

VTV bị khóa kênh YouTube vì vi phạm bản quyền

Vào ngày 29/2/2016, người dùng YouTube bất ngờ thấy kênh chia sẻ Video của VTV bị dừng hoạt động. Theo thông báo ghi trên trang YouTube của VTV, do tài khoản này đã vi phạm bản quyền của kênh YouTube Yamaha Trung Tá. Đến 9h tối ngày 29/2, VTV chính thức lên tiếng thừa nhận kênh YouTube VTV thời sự chính luận bị dừng hoạt động do biên tập viên đã vi phạm bản quyền. Việc một đài truyền hình quốc gia như VTV vướng vào bê bối bản quyền đã thu hút sự chú ý của truyền thông trong nước và quốc tế trong suốt một thời gian dài.

Hồi giữa năm 2016, Ban Kiểm tra của VTV đã kiến nghị Tổng giám đốc VTV lấy năm 2016 là Năm bản quyền với những giải pháp rất cụ thể để tăng cường bảo vệ bản quyền. Trong đó, Ban Kiểm tra kiến nghị Lãnh đạo VTV cho thành lập một đội “Đặc biệt” gồm những phóng viên giỏi của VTV, tổ chức ghi hình những cảnh quay khó, đặc sắc ở các vùng miền để bổ sung vào kho thư viện hình ảnh dùng chung của VTV. Tiến tới giảm chi phí ở các đơn vị, tránh việc chi phí manh mún như hiện nay, không hiệu quả, dẫn đến khai thác hình ảnh tùy tiện.

Kiến nghị này được đưa ra sau khi VTV rơi vào một vụ bê bối bản quyền chưa từng có do bị một nhà quay phim cá nhân là anh Bùi Minh Tuấn ở Vĩnh Linh, Quảng Trị khiếu kiện. Dù chỉ là một nhà quay phim nghiệp dư nhưng để thỏa mãn thú chơi flycam mà anh đã không tiếc tiền đầu tư máy móc, thiết bị, thời gian và công sức để tạo ra những cảnh quay flycam độc đáo về đất nước, con người Việt Nam trên mọi miền của Tổ quốc. Những video được đăng tải trên kênh YouTube Yamaha Trung Tá đã bị một số biên tập viên, phóng viên của nhiều đài truyền hình trong nước cố tình dùng phần mềm thứ 3 can thiệp để tải về, cắt cúp logo nhắc nhở bản quyền, cúp hình ảnh để sử dụng trong nhiều chương trình truyền hình khi chưa được sự chấp thuận của tác giả. Trong đó, riêng VTV chỉ trong vòng 1 năm đã 14 lần bị phát hiện sử dụng trái phép cảnh quay flycam của anh Bùi Minh Tuấn.

Song song với việc khiếu nại trên YouTube, anh Bùi Minh Tuấn cũng khiếu nại VTV 3 lần vi phạm bản quyền của anh lên Cục Bản quyền tác giả. Anh Tuấn không đòi bồi thường bằng tiền mà chỉ yêu cầu lãnh đạo VTV có lời xin lỗi chính thức. Đến ngày 10/3/2016, VTV đã chính thức có văn bản gửi anh Tuấn thừa nhận 2 trong số 3 vụ khiếu nại của anh Tuấn là đúng, tuy nhiên văn bản này không có một từ nào bày tỏ lời xin lỗi như anh Tuấn mong muốn.

Đến nay, dù đã hết năm 2016, vụ khiếu nại của anh Bùi Minh Tuấn vẫn chưa khép lại do anh Tuấn có đơn đề nghị Thanh tra Bộ TT&TT và Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xử phạt vi phạm hành chính VTV. Nhưng quyết định phạt vẫn chưa được cơ quan quản lí ban hành.

VTVcab bị dừng sóng Champions League vì bị vi phạm bản quyền

Vào ngày 10/3/2016, VTVcab (doanh nghiệp 100% vốn của VTV) đột ngột bị ngắt sóng giải đấu bóng đá Champions League. VTVcab sau một thời gian đàm phán với đối tác để cứu vãn tình thế nhưng không có kết quả đã phải chính thức công bố với truyền thông lí do dừng phát sóng là do bị các đơn vị khác vi phạm bản quyền. Khi VTVcab mua Champions League thì giải đấu chỉ được phép phát sóng trên hệ thống của VTVcab chứ không thể phát ở đài khác hay có thể xem trên hạ tầng khác.

Trong vụ này, VTVcab là nạn nhân của nạn vi phạm bản quyền. VTVcab và khán giả của nhà đài này đã chịu thiệt hại nặng nề vì không được tiếp tục theo dõi UEFA Champions League nữa, vì đơn vị sở hữu bản quyền cho rằng VTVcab đã không làm đúng những điều khoản trong hợp đồng, để xảy ra tình trạng vi phạm bản quyền.

Đơn vị sở hữu bản quyền UEFA Champions League đã yêu cầu VTVcab phải đền bù bằng cách trả một khoản tiền cực lớn, gấp mấy lần khoản tiền mà VTVcab đã đầu tư để mua ban đầu. Chính vì những điều kiện ngặt nghèo do bên đối tác đặt ra nên VTVcab buộc lòng phải dừng phát sóng.

Cho đến mùa giải mới vào giữa tháng 9/2016, VTVcab đã được cấp quyền phát sóng UEFA Champions League trở lại, nhưng hiện giờ VTVcab vẫn phải vất vả để canh giữ bản quyền do tiếp tục bị nhiều trang mạng lấy lại trái phép.

Ảnh
VTVcab đã bị dừng phát sóng giải đấu Cúp C1 vì bị các đơn vị khác xâm phạm bản quyền

VTV bị kiện vi phạm bản quyền hình ảnh Gà con

Ngày 1/4/2016, VTV bị họa sĩ, đạo diễn Lưu Mạnh Tiến vi phạm bản quyền hình ảnh Gà con trong chương trình "Hát cùng Siêu Chíp" phát sóng trên VTV2. Ông Lưu Mạnh Tiến đã gửi đơn tới Cục Bản quyền tác giả khiếu nại chương trình “Hát cùng Siêu Chíp” phát sóng trên VTV2 vi phạm bản quyền và vi phạm sở hữu trí tuệ. Theo ông Tiến, chương trình “Hát cùng Siêu Chíp” đã xâm phạm bản quyền các nhân vật hoạt hình Gà con, tên các nhân vật và tên chương trình do ông Tiến là tác giả đồng thời là chủ sở hữu.

Sau khi anh Lưu Mạnh Tiến khiếu nại, đối tác của VTV, nhà sản xuất chương trình Hát cùng Siêu Chíp là công ty TVMedia đã cung cấp cho báo chí bằng chứng để chứng minh quyền tác giả của hình ảnh nhân vật Gà con và kịch bản chương trình Hát cùng Siêu Chíp. Theo đó TVMedia cũng đã được cấp chứng nhận quyền tác giả hợp pháp.

Ngày 1/9/2016, Cục Bản quyền Tác giả đã có công văn số 238/BQTG-QLQTG,QLQ gửi hai bên liên quan là đạo diễn Lưu Mạnh Tiến và Công ty TNHH Quảng cáo Tiếp thị Kim Cương kết luận về việc giải quyết khiếu nại của đạo diễn Lưu Mạnh Tiến về bản quyền hình ảnh nhân vật và kịch bản chương trình “Hát cùng Siêu Chíp” phát sóng trên VTV2.

Văn bản 238/BQTG-QLQTG,QLQ nêu rõ: “Sau khi xem xét các tài liệu, bằng chứng của các bên, Cục Bản quyền Tác giả nhận định, đây là vụ việc tranh chấp Hợp đồng hợp tác số 1607/HĐHT-MAIA ngày 16/07/2009 được kí kết ông Lưu Mạnh Tiến (Công ty cổ phần MAIA Việt Nam) và bà Phạm Mỹ Phương (công ty TNHH Quảng cáo Tiếp thị Kim Cương)”.

Do đó, Cục Bản quyền Tác giả đề nghị 2 bên tiến hành làm việc trực tiếp với nhau hoặc khởi kiện ra Tòa án để giải quyết tranh chấp hợp đồng theo quy định của pháp luật. Kết luận này của Cục Bản quyền Tác giả cũng được gửi tới Thanh tra Bộ VH-TT&DL và Đài Truyền hình Việt Nam.

Ảnh
Chương trình hoạt hình ăn khách Hát cùng Siêu Chíp đã bị họa sĩ Lưu Mạnh Tiến khiếu nại vi phạm bản quyền hình ảnh Gà Con.

Văn bản của Cục Bản quyền Tác giả cũng đề cập đến việc, trong khi hai bên chưa thương lượng được hoặc chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Cục Bản quyền Tác giả yêu cầu các bên dừng hoạt động sử dụng, phát sóng chương trình có các đối tượng tranh chấp. Vụ tranh chấp bản quyền hình ảnh Gà con này đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)