Tuy vậy, vấn đề đầu tư vào một TTDL hoàn chỉnh và làm thế nào để áp dụng một cách hiệu quả các giải pháp TTDL vẫn đang là bài toán khó cho nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam. Ông Nguyễn Phú Quý – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Truyền thông DTS - một trong những nhà cung cấp dịch vụ TTDL tiên phong tại VN - chia sẻ về thách thức và xu hướng sử dụng TTDL tại Việt Nam hiện nay.

  1. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải những thách thức gì trong việc áp dụng các giải pháp TTDL, thưa ông?

Tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng TTDL bắt đầu tăng cao từ hai giai đoạn: 2006 – 2008 khi thị trường dịch vụ tài chính – ngân hàng phát triển mạnh và những năm 2010 đến nay do sự gia tăng các ứng dụng di động, điện toán đám mây... Ước tính trong 4-5 năm tới số lượng thiết bị kết nối với Internet trên toàn cầu sẽ đạt ngưỡng 50 tỉ, và VN cũng không nằm ngoài xu hướng này với số lượng thiết bị di động và thông minh tăng mạnh hàng năm, kéo theo đó là một nhu cầu khổng lồ về quản lí dữ liệu, thông tin. Do đó, việc triển khai các TTDL hiệu quả sẽ có ý nghĩa “sống còn” đến các doanh nghiệp trong tương lai.

Để đáp ứng những thách thức được đặt ra từ việc các ứng dụng phát triển trên nền tảng điện toán đám mây ngày càng tiêu tốn nhiều tài nguyên thông tin và năng lượng, doanh nghiệp cần các giải pháp TTDL được tích hợp toàn diện, có tính bảo mật cao, đồng thời dễ dàng mở rộng, nâng cấp, điều chỉnh tùy theo nhu cầu của doanh nghiệp theo thời gian.

Đặc biệt, vấn đề quản lí năng lượng tại các TTDL đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, không chỉ bởi nó giảm bớt các tác hại đến môi trường mà còn giúp đảm bảo giá trị lợi nhuận cho doanh nghiệp. Các TTDL ngày nay không được phép là những trung tâm ngốn chi phí mà bắt buộc phải mang lại giá trị kinh doanh đích thực, đáp ứng những yêu cầu về an ninh dữ liệu cũng như quy định đặc thù của doanh nghiệp, đồng thời vẫn đảm bảo sự thân thiện với môi trường một cách bền vững.

2. Để đối phó với những thách thức này, các doanh nghiệp Việt Nam đang làm gì?

Trước đây, việc sở hữu một hệ thống TTDL riêng (bao gồm cả phần cứng lẫn phần mềm) được xem là ưu tiên hàng đầu. Gần đây, quan niệm này đã thay đổi và thế giới đang đi theo một xu hướng mới: Thuê dịch vụ. Với hình thức này, người sử dụng TTDL chỉ cần nêu rõ yêu cầu và được nhà cung cấp đáp ứng bằng các dịch vụ được thiết kế riêng biệt, phù hợp với yêu cầu được đưa ra. Hình thức cung cấp dịch vụ đang phát triển hiện nay là ứng dụng công nghệ điện toán đám mây (cloud). Như thế, người sử dụng không cần phải trang bị cả phần cứng lẫn phần mềm (vốn đắt đỏ, yêu cầu chi phí đầu tư cao ngay từ ban đầu, khó nâng cấp khi nhu cầu thay đổi và đòi hỏi đầu tư một đội ngũ quản lí – vận hành riêng) mà chỉ đi thuê TTDL như một loại dịch vụ.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay có 6 lí do chính thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng dịch vụ thuê TTDL: Giảm chi phí đầu tư xây dựng, chi phí vận hành; Thiếu đội ngũ vận hành TTDL chuyên nghiệp; Giảm chi phí đầu tư máy chủ, phần mềm; Tập trung toàn bộ nhân lực vào công việc kinh doanh; Tăng cường tính ổn định, an ninh của thông tin dữ liệu; Tương thích với các yêu cầu quản lí TTDL theo chuẩn quốc tế. Dự báo trong thời gian tới, thị trường khu vực châu Á và Việt Nam sẽ nhanh chóng thích nghi và sử dụng phổ biến dịch vụ TTDL cho thuê.

3. Giải pháp về hạ tầng TTDL của DTS có gì nổi bật và cải tiến so với giải pháp của các hãng khác ở Việt Nam?

Các giải pháp TTDL của DTS là một hệ thống tích hợp toàn diện, gồm nhiều cấu phần khác nhau cần có của một TTDL như không gian và tủ rack, nguồn điện, hệ thống làm mát, hệ thống cáp, hệ thống an toàn và bảo mật, cùng trung tâm giám sát - NOC.

Đặc biệt, TTDL của DTS ứng dụng các giải pháp hạ tầng nổi bật từ tập đoàn Schneider Electric (được biết đến rộng rãi trên thị trường giải pháp công nghệ thông tin với thương hiệu APC) giúp tăng cường việc sử dụng năng lượng hiệu quả và tối ưu hóa vận hành TTDL, gồm kiến trúc về hạ tầng trung tâm dữ liệu InfraStruxure, hệ thống điều hòa chính xác Inrow kết hợp với hệ thống cấp nguồn – UPS Symmetra theo kiến trúc mô-đun giúp mở rộng dễ dàng theo nhu cầu, và hệ thống cô lập khí lạnh/khí nóng cũng như hệ chữa cháy bố trí linh hoạt.

Nhờ áp dụng những giải pháp này, TTDL của DTS đảm bảo tới 99,99% mức độ sẵn sàng (nghĩa là thời gian ngắt hoạt động chỉ ở mức 5 phút/năm), ổn định với tính năng bảo mật cao. Các gói dịch vụ cho thuê TTDL của DTS cũng được thiết kế một cách đa dạng, linh hoạt, tiện sử dụng. Trên cơ sở tư vấn của DTS, khách hàng sẽ được lựa chọn gói dịch vụ riêng phù hợp với ngân sách và nhu cầu.

Ảnh
Các giải pháp hạ tầng nổi bật từ tập đoàn Schneider Electric (được biết đến rộng rãi trên thị trường giải pháp công nghệ thông tin với thương hiệu APC) được DTS ứng dụng nhằm tăng cường việc sử dụng năng lượng hiệu quả và tối ưu hóa vận hành TTDL.
4. Theo ông, một TTDL “chuẩn” trong tương lai cần có những đặc điểm gì? Đâu là định hướng phát triển của DTS nhằm xây dựng những TTDL này?

TTDL là những thiết bị tiêu tốn điện năng nhất, tổng lượng điện tiêu thụ của các TTDL trên toàn cầu một năm ngang bằng với lượng điện tiêu thụ của 30 nhà máy điện hạt nhân cỡ lớn. Vì thế cần phải áp dụng ngay các giải pháp xanh hóa TTDL để giảm lượng khí thải CO2 ra môi trường, đồng thời tiết kiệm đáng kể lượng điện và chi phí tiêu thụ, hướng đến sự phát triển xanh & bền vững.

Hướng đến việc cung cấp những giải pháp TTDL theo đúng chuẩn “xanh”, DTS dự kiến sẽ tiếp tục hợp tác với những đơn vị cung cấp giải pháp hàng đầu trong lĩnh vực này như Schneider Electric và đầu tư thêm các trang thiết bị tiện nghi như: hệ thống camera giám sát thông minh, hệ thống giám sát môi trường để đáp ứng được các yêu cầu về việc bảo vệ môi trường, góp phần vào việc giữ gìn môi trường luôn xanh và sạch. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng dịch vụ, DTS sẽ đầu tư phát triển hệ thống truyền thông hội tụ, đồng thời đưa ra các giải pháp, sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng cloud nhằm đáp ứng thêm nhiều nhu cầu của khách hàng.



Bình luận

  • TTCN (0)