Microsoft đã bán lại quyền sử dụng thương hiệu cho các đối tác, trong đó Foxconn bỏ tiền nhiều nhất.

“Ba cây chụm lại…”

Tiền đề cho sự trở lại lần này của nhãn hiệu Nokia ghi đậm dấu ấn của bộ ba công ty: Nokia Technologies, HMD và Foxconn.

Trong năm 2016, Microsoft đã kí kết thành công thỏa thuận bán mảng điện thoại phổ thông cho FIH Mobile, một công ty con của HonHai/Foxconn. Song song đó, HMD Global, một công ty Phần Lan được sáng lập bởi các cựu nhân viên Nokia, đã giành được quyền độc quyền kinh doanh điện thoại, tablet mang thương hiệu Nokia trong 10 năm tới. Microsoft sẽ nhận được 350 triệu đô la từ hai công ty trên nhờ thương vụ này.

Giao dịch này sẽ cho phép Foxconn và HMD sản xuất và bán điện thoại phổ thông, smartphone và tablet với thương hiệu Nokia. Nghĩa là, Foxconn sẽ tiếp quản nhà máy tại Việt Nam được sử dụng để sản xuất điện thoại Nokia phổ thông.

Foxconn cũng nhận các hợp đồng, thỏa thuận cung ứng, tài sản về bán hàng và phân phối từng thuộc về Microsoft (trước đó thuộc Nokia). HMD sẽ sở hữu thương hiệu, sở hữu trí tuệ và phần mềm được bán cho Microsoft trước đó.

Trong khi việc kinh doanh điện thoại phổ thông có thể không còn quan trọng, thì việc thu mua thành công các mảng hợp đồng và các nhà máy của Nokia có ý nghĩa rất lớn với Foxconn. Bởi trong nhiều năm qua, nguồn thu lớn nhất của Foxconn đến từ việc gia công iPhone cho Apple, do đó công ty cần tìm một nguồn thu khác. Thương vụ thu mua Sharp lẫn thỏa thuận với HMD và Nokia có thể giúp công ty này có thêm một lựa chọn mới trong trường hợp hợp đồng với Apple trục trặc.

Ảnh
Sau những thăng trầm, HMD là "ngôi nhà" mới của điện thoại Nokia.

FIH Mobile, HMD Global và Nokia Technologies đã ngồi lại với nhau và kí kết nhiều thỏa thuận. Trong đó, HMD Global sẽ trở thành công ty duy nhất được cấp quyền cho tất cả các điện thoại và tablet mang thương hiệu Nokia. Nokia Technologies sẽ giữ 5 ghế trong ban điều hành của HMD.

Một công ty con của Nokia sẽ thiết lập các yêu cầu bắt buộc của thương hiệu và các quy định về các hoạt động liên quan đến sản phẩm thương hiệu Nokia. Bên cạnh đó, công ty này sẽ kiểm soát chất lượng, thiết kế và tính năng của các thiết bị khi thiết bị được sản xuất. HMD sẽ tiếp nhận các thương hiệu, các bản quyền sáng chế để đổi lấy tiền thanh toán bản quyền cho Nokia Technologies.

HMD và Nokia có thể sử dụng khả năng sản xuất thiết bị, chuỗi cung ứng cũng như các công nghệ di động độc quyền của Foxconn. HMD sẽ có quyền kiểm soát hoạt động bán hàng, tiếp thị và phân phối điện thoại và máy tính bảng thương hiệu Nokia. Còn Foxconn sẽ trở thành nhà sản xuất độc quyền các thiết bị mang thương hiệu Nokia.

Theo thỏa thuận hiện hành thì HMD sẽ quản lí việc phát triển điện thoại và tablet chạy Android dưới sự kiểm soát của Nokia. Điều quan trọng là Nokia luôn biết cách xây dựng nên thiết bị và cân nhắc tính năng nào nên thêm vào. Hơn nữa, Nokia nắm giữ các bằng sáng chế quan trọng về mạng di động, điều này rất quan trọng khi cả thế giới đang hướng đến mạng 5G. Điều khôn ngoan là Nokia sẽ kiểm soát các thiết bị, nhận tiền bản quyền và không bao giờ gặp rủi ro.

Điện thoại Nokia có còn “hồn” Nokia?

Sau những thương vụ mua bán liên tục, người dùng có lí do để nghi ngờ rằng những điện thoại mới này liệu có còn đúng “chất” Nokia như một thời họ đã từng say mê hay không.

Hãng điện thoại Phần Lan từng được yêu thích bởi những công nghệ trứ danh như chụp ảnh PureView, màn hình ClearBlack. Thế nhưng trong lần trở lại này, smartphone mang thương hiệu Nokia sẽ khó lòng tiếp tục gắn bó với những công nghệ trên khi bản quyền của các sở hữu trí tuệ quan trọng này vẫn thuộc về Microsoft.

Điều này buộc bộ ba công ty đã chung tay đưa thương hiệu Nokia trở lại sẽ phải nghiên cứu các công nghệ chụp ảnh, màn hình… từ những con số không vì chính những tính năng này sẽ góp phần định hình bản sắc riêng cho điện thoại Nokia mới. Nếu không, chiếc điện thoại Nokia mới sẽ có vẻ hao hao giống với nhiều mẫu điện thoại khác trên thị trường với những khác biệt nhỏ đến từ phần mềm tùy biến…

Thực tế thì “chất” Nokia đã từng bị nghi ngờ khi hãng này cấp quyền cho Foxconn sản xuất N1, một chiếc máy tính bảng 8 inch chạy Android ra mắt cách đây đã lâu. Lúc đó, chiếc máy có thiết kế rất giống với iPad của Apple, “hồn” Nokia đậm nhất trên N1 vẫn chỉ là giao diện Z Launcher do hãng này phát triển.

Ảnh
Tablet Nokia N1 ra mắt trước đây có thiết kế giống với iPad Mini.

Nhiều người hân hoan khi nhãn hiệu Nokia quay lại thị trường di động. Nhưng nếu hãng chỉ biết góp nhặt những tính năng sẵn có do các nhà cung cấp chào hàng rồi lắp ghép lại mà không chịu đào sâu nghiên cứu những tính năng đặc trưng thì liệu Nokia có thể cạnh tranh với ngay cả các thương hiệu mới nổi từ Trung Quốc hay không? Đó là chưa kể sức ép đến từ những tên tuổi đã nổi danh toàn cầu khác.

Chiếc điện thoại tiên phong Nokia 6 chính là điển hình cho sự thiếu bứt phá về thiết kế lẫn tính năng đủ để mở đường cho Nokia mới: thiết kế quen thuộc, vẫn màn hình 2,5D, vỏ nhôm, chip Snapdragon 430, âm thanh Dolby Atmos… Tất cả những thứ này đều quen thuộc và không có gì nổi trội, mặc dù Nokia 6 được cho là đã cháy hàng ngay ngày mở bán đầu tiên tại Trung Quốc.

Ảnh
Nokia 6 không có nhiều đặc biệt tuy nhiên được cho là cháy hàng tại Trung Quốc.

Rõ ràng, trong những bước đi chập chững trở lại, thiết bị nhãn hiệu Nokia cần phải dò đường, cần thời gian để thích nghi với thời thế. Rõ ràng những người yêu thương hiệu Nokia và mong chờ những sản phẩm đậm chất Nokia cần dành cho các chủ sở hữu mới của thương hiệu Nokia thêm thời gian để tích lũy và phát triển. “Những gì không giết được ta sẽ giúp ta mạnh mẽ hơn”, nên hãy cùng mong chờ một Nokia đang trở lại mãnh liệt và thú vị hơn.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)