Truyền hình số mặt đất đã thực hiện thành công ở 13 tỉnh

Chỉ còn 4 tháng nữa là tại 15 tỉnh thuộc giai đoạn 2 của Đề án Số hóa truyền hình sẽ chính thức tắt sóng truyền hình analog. Một phần việc quan trọng là các đài PT-TH địa phương thuộc các tỉnh này phải sớm lựa chọn đơn vị truyền dẫn phát sóng để có thể lên sóng kênh truyền hình thiết yếu của địa phương lên hạ tầng số mặt đất DVB-T2 trước thời điểm tắt sóng ít nhất 1 tháng, tức là trước ngày 30/5/2017.

Tuy nhiên, hiện tại một số đài PT-TH ở khu vực Bắc Bộ vẫn còn “lăn tăn” về câu chuyện hiệu quả hay kém hiệu quả khi truyền dẫn kênh truyền hình địa phương lên hạ tầng truyền hình số mặt đất, thay thế cho phương thức phát sóng truyền hình tương tự mặt đất (truyền hình analog). Đây là những đài PT-TH nằm trong nhóm còn băn khoăn chuyện có thuê hạ tầng, thuê doanh nghiệp truyền dẫn kênh truyền hình địa phương lên hạ tầng số mặt đất hay không?

Ông Vũ Văn Nghiêm, Giám đốc Đài PT-TH Thái Bình cho biết, Đài PT-TH Thái Bình phải tự chủ 60-70% chi phí hàng năm, một năm ngân sách chỉ cấp khoảng 7 tỉ đồng, trừ đi khoảng 20% tiết kiệm bắt buộc số tiền còn lại còn hơn 6 tỉ đồng. Trong khi mỗi năm Đài phải chi phí tầm 25 tỉ đồng.

Do đó, theo ông Nghiêm, đơn giá dịch vụ truyền dẫn phát sóng mà các đơn vị đưa ra mỗi năm từ 1,5 tỉ đồng trở lên là quá cao, không đáp ứng được yêu cầu của các đài. Ông Nghiêm cũng tiết lộ, hiện nay kênh Thái Bình đang phát sóng trên 10 hệ thống, sắp tới thêm 2 hệ thống nữa là 12, tất cả đều là phát nhờ.

“Giờ có bỏ ra trên 500 triệu đồng chúng tôi không đáp ứng được. Phát sóng kênh thiết yếu trên hệ thống nào cũng là phục vụ nhiệm vụ chính trị, nhưng đơn giá phát sóng số phải hợp lí, giá rẻ ít nhất tương đương với phát sóng trên hệ thống analog thì chúng tôi mới tham gia.”, ông Nghiêm phát biểu.

Lãnh đạo hai Đài PT-TH Nam Định và Ninh Bình còn đưa ra việc, bài toán phát sóng số mặt đất là để giải quyết cho người nghèo, những người đang thu xem truyền hình miễn phí, vì hiện tại truyền hình cáp đã về thôn xóm rồi. Do đó phải tính bài toán hiệu quả vì hiện nay số lượng người thu xem truyền hình miễn phí rất thấp.

Có cùng ý kiến với ông Nghiêm, ông Hoàng Tuấn Dũng, Giám đốc Đài PT-TH Ninh Bình cho rằng, số lượng người thu xem truyền hình miễn phí ở tỉnh này chỉ còn dưới 15%, nếu như phải chi phí quá lớn để phát sóng truyền hình số chỉ để phục vụ một số ít người thì không hiệu quả. Trong khi kênh truyền hình Ninh Bình đã có kế hoạch phát sóng lên vệ tinh, cũng như đang phát sóng trên một số hệ thống truyền dẫn khác.

Ông Dũng đề nghị, các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng phải tính toán lại giá dịch vụ truyền dẫn. Căn cứ đầu tiên là phải tính chi phí phát sóng cho một kênh bằng hệ thống analog hiện nay, ít ra chi phí phải tương đương thì các đài mới chịu được, còn nếu giá cao hơn mấy lần thì rất khó. Bên cạnh đó, cần phải chia ra nhiều gói dịch vụ, nếu chỉ phát trong tỉnh thôi, không cần phát cả 14 tỉnh hay cả nước thì giá phải rẻ hơn.

Ông Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cũng đặt câu hỏi: Tại sao lãnh đạo các địa phương lại “lăn tăn” về việc lựa chọn nhà phát sóng? Nhưng ông Thìn cũng cho hay, dù lăn tăn thế nào đến 1/7/2017 kênh Ninh Bình cũng sẽ phát sóng truyền hình số mặt đất. Tuy nhiên, ông Thìn cho rằng, câu chuyện hiệu quả rất quan trọng. Ninh Bình đã có con số khảo sát từ năm 2014, số hộ dân thu truyền hình analog chỉ 10-15%, nếu bây giờ chính thức điều tra lại con số chắc chắn không quá 10%. Nếu chi 5,7 tỉ đồng/năm để phát HD lên vệ tinh chắc chắn sẽ hiệu quả hơn vì phủ sóng được trên toàn quốc, trong khi phát sóng số mặt đất chỉ trong phạm vi nội tỉnh.

Trước các ý kiến về truyền hình mặt đất là phương thức này lỗi thời, ít người xem, ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, số liệu mà Cục Tần số Vô tuyến điện thuê một công ty nghiên cứu thị trường nghiên cứu hồi năm 2016. Theo tính toán đưa ra thì có 26% người vẫn đang dùng truyền hình analog. Đây là một con số mà không ai có thể bỏ qua, cho nên nên dù muốn hay không các địa phương vẫn phải làm số hóa truyền hình.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)