Theo PhoneArena, máy ảnh (camera) kép xuất hiện đầu tiên trên smartphone vào năm 2011, thời điểm mà HTC công bố Evo 3D với khả năng quay video 3D. Với các thiết bị ra mắt gần đây, máy ảnh kép được áp dụng những hướng đi khác nhau, tùy theo mục đích cụ thể.
Cách tiếp cận của Apple
Một ứng viên không thể không nhắc đến chính là iPhone 7 Plus. Ra mắt vào năm ngoái, sản phẩm của Apple sở hữu máy ảnh kép phía sau được Apple đưa ra nhằm giải quyết vấn đề tồn đọng trong thế giới smartphone, đó là thiếu zoom quang học, tốt hơn nhiều so với zoom kĩ thuật số.
Để làm điều này, Apple trang bị cho iPhone 7 Plus ống kính thứ cấp là dạng tele, kết hợp với phần mềm độc đáo giúp quá trình chuyển đổi qua lại giữa các ống kính được thực hiện khá tốt.
Bên cạnh đó, nhờ có độ dài tiêu cự khác nhau, Apple cũng tận dụng sức mạnh máy ảnh kép để mang đến khả năng chụp ảnh chân dung tốt hơn. Về cơ bản, hình ảnh từ hai camera được kết hợp thành một, một ống kính sử dụng để tập trung đối tượng tiền cảnh, còn một có nhiệm vụ tạo ra hiệu ứng nền mờ ở phía sau. Và dĩ nhiên điều này được xử lí bởi phần mềm.
Cách tiếp cận của LG
Trước khi iPhone 7 Plus ra mắt, LG đã làm điều tương tự với G5, một sản phẩm được đánh giá tốt dù doanh số bán ra không thật sự ấn tượng. LG vẫn không từ bỏ ý tưởng khi áp dụng công nghệ tương tự với G6 vừa ra mắt, nhưng khả năng làm việc của máy ảnh kép tốt hơn nhiều nhờ sự nâng cấp của cảm biến thứ hai.
So với cách tiếp cận của Apple, cách LG xử lí máy ảnh thứ hai gần như ngược lại. Trong khi máy ảnh thứ hai của iPhone 7 Plus theo xu hướng chụp tiệm cận thì G6 lại hỗ trợ chụp góc rộng. Phương pháp này không được sử dụng rộng rãi, nhưng G6 có thể làm thay đổi suy nghĩ. Dẫu vậy, một số đánh giá ban đầu cho thấy nhiều người vẫn chưa thực sự hài lòng với kết quả khi hình ảnh bị bóp méo, đặc biệt là dọc theo các cạnh.
Cách tiếp cận của Huawei
Máy ảnh kép được Huawei trang bị trên một số smartphone cao cấp của mình, bao gồm cả P10, với cách tiếp cận phức tạp nhất. Sử dụng hai cảm biến riêng biệt, nhưng một trong số đó sở hữu cảm biến đơn sắc. Trong thực tế, điều này có nghĩa thiết lập máy ảnh kép sẽ có độ nhạy sáng tốt hơn, giúp chụp ảnh tốt hơn trong điều kiện ánh sáng yếu.
Lợi ích của phương pháp này là người dùng có thể chụp đơn sắc chất lượng cao hơn nhiều so với chụp nhiều màu, giúp tạo ra những hiệu ứng tốt hơn. Tuy nhiên, các thử nghiệm ban đầu với P9 cho thấy chất lượng video chưa thực sự hoàn hảo, mặc dù khả năng chụp ảnh khá tốt.
Huawei không phải là công ty duy nhất chọn hướng đi này. Vào tháng 9.2016, Qualcomm đã công bố công nghệ Clear Sight với cách làm tương tự nhằm mang đến giải pháp tiết kiệm chi phí cho các nhà sản xuất. Xiaomi cũng đã làm điều tương tự với Mi 5s Plus, cùng với nhiều công ty khác.
Những kì vọng sắp tới
Trên đây là những ý tưởng phổ biến cho máy ảnh kép ở thời điểm hiện tại, nhưng đó chắc chắn không phải là những giải pháp duy nhất có sẵn. Như đã nói, HTC Evo 3D đã được thiết kế để phục vụ tạo ra cảnh 3D xem mà không cần kính trước khi thất bại do 3D không phải là xu hướng người dùng ưa thích.
Oppo gần đây cũng giới thiệu công nghệ máy ảnh mới nhất có tên 5x, với một ống kính tele được ẩn trong khung thiết bị, giúp người dùng zoom quang 5x và được chứng minh tốt hơn nhiều so với công nghệ hiện tại.
Theo Thanh Niên.
Bình luận