Thời gian vừa qua, nhiều công ty đã gỡ quảng cáo trên YouTube khi những quảng cáo của họ xuất hiện kèm trong các đoạn video mang nội dung cực đoan. Tuy vậy, doanh thu của YouTube có lẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi phần lớn doanh thu của công ty này là từ các công ty nhỏ, không có đủ khả năng để quảng cáo trên truyền hình và cũng không có nhiều lựa chọn khác. Ngoài ra, một số nhà phân tích còn nhận định, nhiều thương hiệu đang rời YouTube sẽ sớm quay trở lại bởi đây là kênh giúp họ tiếp cận được một lượng khách hàng vô cùng lớn.
Tuy vậy, về lâu dài, sự cố trên sẽ ảnh hưởng đến chiến lược lấy quảng cáo từ truyền hình của YouTube. “An toàn thương hiệu” đang là mối quan tâm lớn của nhiều công ty đang quảng cáo trên YouTube. Việc quảng cáo của họ xuất hiện cùng với các đoạn video cực đoan sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu của họ. Trước đó nhiều người cho rằng, các doanh nghiệp lớn sẽ chuyển dần từ quảng cáo truyền hình sang quảng cáo trên các nền tảng như YouTube. Nhưng sự cố của YouTube đã phá hủy nhiều căn cứ cho dự đoán đó.
Nói cách khác, sự cố gần đây đã khiến cho chiến lược “giật” quảng cáo từ truyền hình của YouTube “đổ sông đổ bể”. YouTube đã phải mất nhiều năm để tìm kiếm các thương hiệu lớn chịu chi hàng trăm triệu USD mỗi năm để quảng cáo trên YouTube. Nhưng chỉ trong tuần vừa qua, nhiều thương hiệu lớn trong số đó như Verizon, AT&T, Johnson & Johnson đã hủy hợp đồng quảng cáo trên YouTube.
Đầu tháng này, chính phủ cùng nhiều công ty, ngân hàng lớn của Anh và Mỹ đã ngừng quảng cáo trên YouTube và nhiều nền tảng khác của Google sau khi phát hiện ra những quảng cáo của họ xuất hiện kèm những video mang thông điệp tiêu cực, ví dụ như kì thị người đồng tính và bài Do Thái.
Google đã xin lỗi và cam kết sẽ cải tổ chính sách quảng cáo cũng như các chính sách liên quan đến nội dung trên YouTube, nhưng các khách hàng của hãng này tỏ ra thờ ơ hoặc không tin tưởng.
Theo Infonet.
Bình luận