Các nhà nghiên cứu đã thực hiện nhiều loại thí nghiệm trên loại vật liệu này, bao gồm thử khả năng tự xóa đi các vết cắt và vết xước.
"Sau khi mẫu vật bị cắt làm đôi, nó tự động kết dính lại trong vòng chưa đầy 24 giờ". Chao Wang, giáo sư khoa Hóa đứng đầu dự án trả lời với Bussiness Insider.
Loại vật liệu này có khả năng co giãn gấp 50 lần kích thước gốc được tạo bởi loại nhựa siêu co giãn, và muối ion. Khả năng đặc biệt mà nó có được nhờ vào mối liên kết ion lưỡng cực, giữa các ion tích điện và các phân tử phân cực.
Chính vì thế, mỗi khi vật thể bị tổn thương hoặc hư hỏng, các ion và phân tử sẽ tạo lực kết dính lại với nhau để tự chữa lành chỗ bị hỏng.
"Đây là lần đầu tiên một loại vật liệu tự chữa lành có thể cho dòng điện chạy qua được phát minh, làm cho việc chế tạo pin và màn hình smartphone trở nên thuận tiện hơn", ông Wang chia sẻ.
Vài năm trước, smartphone G Flex của hãng LG cũng tích hợp loại vật liệu tự sửa chữa tương tự ở phần vỏ sau của điện thoại. Nhưng chúng không được các nhà sản xuất chọn làm vật liệu để chế tạo màn hình vì không dẫn điện. Mỗi màn hình đều được trang bị một bảng điện tử, khi có sự tác động của người dùng, điện sẽ được dẫn từ ngón tay tới các vi mạch và làm cho smartphone vận hành.
Phát minh này sẽ được công bố chính thức vào buổi gặp mặt của American Chemistry Society (Hội các nhà hóa học Mỹ), tổ chức nghiên cứu hóa học lớn nhất thế giới.
"Vật liệu chế tạo màn hình tự hồi phục nghe có vẻ xa rời thực tế, nhưng tôi tin rằng chúng sẽ được áp dụng cho smartphone trong thời gian sớm nhất. Trong vòng 3 năm, các sản phẩm với công nghệ tự hồi phục sẽ được tung ra thị trường, thay đổi cuộc sống của người dùng. Chúng giúp cho smartphone tự bảo vệ và vận hành tốt hơn bây giờ", Wang chia sẻ.
Giáo sư còn dự đoán loại vật liệu tự hồi phục sẽ được tích hợp chính thức cho pin và màn hình smartphone vào khoảng năm 2020.
Theo Zing.
Bình luận