Cách đây ít tuần, LG từng bị người dùng gửi đơn kiện vì đã để lỗi bootloop xảy ra tràn lan trên 2 mẫu smartphone G4 và V10. Theo đơn kiện này, nhiều người dùng smartphone G4 và V10 tố cáo rằng, LG để lỗi bootloop xảy ra lặp đi lặp lại "làm cho máy không thể hoạt động và không đủ tiêu chuẩn để dùng vào bất kì mục đích gì". Nói cách khác, 2 smartphone bị tố gặp lỗi "brick" máy, trở thành "cục gạch" vô tác dụng. "Bootloop" - lỗi khiến thiết bị "mắc kẹt" ở màn hình khởi động và không thể vào màn hình home của Android.
Rất nhiều người dùng G4 đã lên các trang mạng xã hội như Twitter, Reddit, và YouTube để than phiền về lỗi cũng như nhờ tìm cách khắc phục. Người dùng thậm chí còn tạo ra một cuộc kiến nghị trên mạng internet để khởi động một chương trình yêu cầu LG thay thế các máy G4 bị bootloop. Chiếc LG V10 cũng không "kém cạnh", trở thành đề tài của những lời than phiền của nhiều người dùng trên internet.
2 tuần sau đó, nhiều người dùng Android băn khoăn tự hỏi, vì sao các điện thoại khác của LG gặp cùng lỗi đã không được đưa vào đơn kiện trên. Thắc mắc đó, cuối cùng cũng đã có câu trả lời, khi mới đây đơn kiện của các nạn nhân lên toà án liên bang ở Nam California đã được bổ sung để tố lỗi bootloop trên các smartphone khác gồm Nexus 5X, LG G5, LG V20. Với sự bổ sung này, mọi smartphone cao cấp của LG từ 2015 đến 2016 đều bị tố cáo là bị lỗi.
Cách đây một năm, công ty Hàn Quốc thừa nhận có lỗi xảy ra với smartphone G4, và hãng nói rằng đó là hệ quả của việc "lỏng tiếp xúc giữa các linh kiện". Cũng từ đó hãng bắt đầu cung cấp thiết bị thay thế và tiến hành sửa lỗi. Tuy nhiên, theo người dùng thì "LG vẫn tiếp tục sản xuất các điện thoại với lỗi bootloop".
Trong đơn kiện, người dùng tố cáo:
Dù thừa nhận máy bị lỗi, LG đã không thực hiện thu hồi hay đền bù thích đáng cho những người dùng đã mua G4. Thay vào đó, LG chỉ thay thế các máy G4 gặp lỗi và vẫn còn trong thời hạn bảo hành (1 năm kể từ ngày mua), và máy thay thế cũng là máy gặp lỗi tương tự. LG từ chối cung cấp bất kì đền bù nào cho những khách hàng mua G4 bị lỗi bootloop nhưng máy đã hết thời gian bảo hành.
Liên quan đến V10, đơn kiện viết:
LG ra mắt điện thoại V10 hồi tháng 10/2015. Phần cứng của V10 là rất giống với G4 với chỉ một số khác biệt như bộ nhớ mở rộng và có thêm một camera. Trong vòng ít tháng sau khi ra mắt, nhiều phản ánh đã xuất hiện nói rằng V10 cũng bị lỗi bootloop như G4. Máy bị crash đột ngột và rồi khởi động lại liên tục. Tuy vậy, LG vẫn tiếp tục bán và phân phối smartphone này.
Người dùng cho rằng, vi xử lí của cả 2 máy đã không được hàn với bo mạch chủ một cách hợp lí, khiến con chip "không thể chịu được nhiệt". Ban đầu, máy sẽ gặp hiện tượng "đóng băng", bị chậm, quá nóng, và khởi động lại một cách đột ngột. Cuối cùng, máy hỏng hoàn toàn. Và nếu người dùng không sao lưu, toàn bộ ảnh, video, danh bạ, các dữ liệu khác trên máy sẽ bị mất vĩnh viễn.
LG hiện chưa đưa ra bình luận gì về đơn kiện nói trên. Thẩm phán Paul L. Abrams sẽ cho hãng công nghệ Hàn Quốc thời gian từ nay đến 8/5 để đưa ra phản hồi của mình tại toà.
Theo ICTnews.
Bình luận