Theo Cục Quản lí Cạnh tranh (Bộ Công Thương), mua sắm trực tuyến (online shopping) ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, nhiều người mua hàng trực tuyến gặp rủi ro do một số nguyên nhân như không thể tìm hiểu trực tiếp về sản phẩm trước khi mua hàng, bỏ qua phần điều khoản liên quan đến đổi trả sản phẩm, giao nhận, bảo hành...
Khác với hình thức mua sắm truyền thống người tiêu dùng có thể nhìn, cầm, đánh giá trực tiếp sản phẩm thì việc mua sắm trực tuyến lại hạn chế người tiêu dùng đánh giá sản phẩm. Người tiêu dùng chỉ có thể nhìn hình ảnh sản phẩm qua thiết bị kết nối mạng thường tiềm ẩn rủi ro là không giống với sản phẩm thật.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận các thông tin về an toàn, cảnh báo của sản phẩm cũng khó khăn hơn so với hình thức mua sắm truyền thống, đặc biệt khi người tiêu dùng xem sản phẩm qua thiết bị có màn hình nhỏ như điện thoại.
Trong một số trường hợp, người tiêu dùng thậm chí bỏ qua phần điều kiện và điều khoản vì màn hình quá nhỏ, trong khi đó, phần này bao gồm những nội dung rất quan trọng liên quan đến đổi - trả sản phẩm, giao nhận, bảo hành…
Kênh phân phối cũng là một vấn đề đối với mua hàng trực tuyến. Với hình thức mua sắm truyền thống, hàng hóa được phân phối đến cửa hàng, còn với mua sắm trực tuyến, hàng hóa lại được phân phối qua các sàn giao dịch điện tử, trang web đấu giá, mạng xã hội nên người tiêu dùng rất khó xác định nhà sản xuất, nhà phân phối.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lí thị trường cũng gặp nhiều khó khăn khi phát hiện và xử lí sản phẩm không an toàn. Tình trạng này có xảy ra với sản phẩm mới và rất phổ biến ở những sản phẩm đã qua sử dụng.
Mua hàng từ các cá nhân qua mạng xã hội thậm chí còn tồn tại nhiều rủi ro hơn. Trong một số trường hợp phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng cho biết không thể liên hệ được với cá nhân qua điện thoại/địa chỉ được cung cấp.
Theo số liệu thống kê từng được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố, tại các quốc gia phát triển với nền thương mại điện tử được coi là an toàn như Nhật Bản, Hoa Kì, Trung Quốc, người tiêu dùng vẫn có thể mua phải hàng giả, hàng không đạt chuẩn.
Thậm chí tỉ lệ này còn cao đến 19% như ở Trung Quốc và 11% ở Nhật Bản. Tỉ lệ về vấn đề của sản phẩm còn rất khác nhau khi người tiêu dùng mua tại trang web của công ty và mua tại sàn thương mại điện tử.
Theo ICTnews.
Bình luận