5-ly-do-choi-game-tren-ios-suong-hon-android

Cuộc chiến giữa iOS và Android vẫn chưa có hồi kết khi không một hệ điều hành nào có thể chiếm ưu thế hoàn toàn. Trong khi Android cho người dùng khả năng tùy chỉnh và việc dễ dàng cài đặt phần mềm bên thứ ba thì iOS mang tới sự liền mạch trong trải nghiệm giữa điện thoại di động, máy tính bảng và máy tính để bàn.

Nhưng với hơn một tỉ game thủ chơi trên thiết bị di động, việc lựa chọn một trong hai hệ điều hành trên cần một sự phân biệt rõ ràng hơn. Theo Makeuseof, sử dụng thiết bị của Apple để chơi game là một lựa chọn hợp lí hơn hẳn.

Nguyên tắc "iOS đầu tiên"

Các nhà phát triển trò chơi thường phát hành game của họ trên Apple App trước khi đưa chúng lên Google Play. Super Mario Run là một trong những ví dụ mới nhất, ngoài ra còn nhiều cái tên khác như Alto's Adventure, The Room 3, Prune... Đây không chỉ là nguyên tắc của các hãng phát triển lớn mà còn là lựa chọn của nhiều nhà phát triển trò chơi độc lập.

Một trong những lí do chính, đó là tiền. Các bằng chứng cho thấy người dùng iOS sẵn lòng chi trả nhiều tiền hơn người dùng Android trên cùng một ứng dụng. Một báo cáo từng cho biết con số này là 33%. Rõ ràng các đơn vị phát triển luôn muốn nhận được nguồn tiền về sớm nhất có thể, bất chấp việc người dùng có thể phản đối vì chờ đợi.

Là người dùng Android, điều này đồng nghĩa với việc bạn có thể phải chờ dài cổ để đợi trải nghiệm trò chơi yêu thích trên thiết bị của mình. Nhanh có thể là vài tuần, hoặc vài tháng nhưng thậm chí nó có thể tính bằng năm.

Làm game trên iOS dễ hơn

Số lượng thiết bị chạy iOS được Apple hỗ trợ tại một thời điểm không quá nhiều, nếu tính riêng điện thoại hoặc máy tính bảng, người dùng có thể đếm hết dễ dàng trên các đầu ngón tay. Còn các thiết bị chạy hệ điều hành Android? Năm 2015, Google cho biết có hơn 18.000 thiết bị Android trên toàn thế giới. Mỗi một thứ trong số 18.000 thiết bị này có phần cứng, kích cỡ màn hình và cách kết hợp nút bấm, điều khiển khác nhau. Điều tồi tệ nhất là bản chất của hệ điều hành Android trên các thiết bị đôi khi cũng không đồng nhất. Người dùng có thể thấy rõ là trải nghiệm người dùng hoàn toàn khác nhau giữa một thiết bị của Samsung và một thiết bị của Nexus hay hãng công nghệ ít tên tuổi nào khác.

Các nhà phát triển game sẽ không thể kiểm tra trò chơi của họ trên tất cả 18.000 thiết bị. Tất nhiên, họ chắc chắn sẽ phải kiểm tra sản phẩm trên ba hoặc bốn thiết bị hàng đầu của mỗi nhà sản xuất. Số lượt kiểm tra này có thể lên tới hàng trăm lần. Đây là một quá trình tốn nhiều thời gian và phức tạp. Đó là lí do tại sao rất nhiều phiên bản game trên Android mất nhiều thời gian để có thể ra mắt chính thức. Khi phát hành, chúng thậm chí bị giới hạn trên các thiết bị với cấu hình cài đặt nhất định. Trong quá khứ, từng có thời điểm nhiều smartphone thuộc dòng Zenphone của Asus không thể cài đặt Pokemon Go.

Trải nghiệm người dùng nhất quán

Ảnh
5-ly-do-choi-game-tren-ios-suong-hon-android-1

Nếu mua một game trên iOS, người dùng có thể tin tưởng rằng nó sẽ hoạt động không giới hạn trên bất kì thiết bị di động nào khác của Apple mà mình sở hữu. Bạn cũng có thể khá chắc chắn nó sẽ hoạt động trên các thiết bị trong tương lai trong trường hợp muốn nâng cấp sau này.

Nhưng điều này không đúng với các thiết bị Android. Dù cho các nhà phát triển game trên toàn thế giới vẫn đang đau đầu tìm cách khắc phục, vẫn không thể đảm bảo các trò chơi có thể hoạt động ổn định trên các thiết bị khác nhau, thậm chí cùng được tạo ra bởi một nhà sản xuất. Vấn đề này càng đặc biệt phổ biến ở các thiết bị di động giá rẻ. Sự cố hình ảnh hay dữ liệu, lỗi game, văng khỏi ứng dụng, khởi chạy không thành công... nói chung người dùng thiết bị Android có nhiều "kinh nghiệm" về vấn đề này hơn nhiều so với người dùng iOS.

Các trò chơi giả mạo

Cả Google Play và App Store đều có vấn đề với các ứng dụng giả mạo. Tuy nhiên, Google gặp nhiều vấn đề khó khăn hơn Apple trong việc phòng chống cũng như giải quyết hậu quả.

Giữa năm 2016, khi cơn sốt Pokemon vừa mới nổi, hàng chục nghìn người đã tải xuống các phiên bản giả mạo của trò chơi nổi tiếng này và bị nhiễm mã độc. Chúng có những cái tên tương tự trò chơi gốc như Pokemon Go Ultimate, Pokemon Go: New Version for Free App Game, Go Catch 'Em All!. Người dùng, trong đó hầu hết trẻ em, là nạn nhân.

Công ty bảo mật ESET khi đó đã phát hiện ra ứng dụng Pokemon Go Ultimate thậm chí có khả năng khóa điện thoại của người dùng và bí mật truy cập vào các trang web dành cho người lớn ở chế độ nền.

Ảnh
Các ứng dụng giả mạo game Pokemon Go năm 2016 trên Google Play.

Trước đó vào năm 2015, một công ty an ninh đã tìm thấy 30 ứng dụng giả mạo game Minecraft trong Google Play. Hầu hết trong số này là cheat và tool để hack game. Chúng được tải xuống hơn 600.000 lượt. Gần đây nhất là các ứng dụng giả mạo game Super Mario Run cho thiết bị khi chúng đang được Nintendo phát hành độc quyền trên iOS.

"Làm giả các trò chơi phổ biến là một kĩ thuật được nhiều tin tặc sử dụng. Tải chúng về có thể rất nguy hiểm vì nó cho phép kẻ xấu truy cập vào thiết bị di động của người dùng và lấy cắp các thông tin cá nhân nhạy cảm", Parvinder Walia, Giám đốc ESET nói.

Số khung hình trên giây (FPS)

"Frames Per Second" là một trong những tiêu chí quan trọng nhất cần xem xét khi mua một thiết bị di động về để chơi game. Hầu hết các trò chơi được giới hạn ở mức 30 FPS để giúp tiết kiệm pin. Tuy nhiên, một số có thể xử lí ở tốc độ cao tới 60 FPS.

Để tối đa hóa hiệu suất của trò chơi, điện thoại của người dùng cần phải đạt đến giới hạn FPS mà nhà phát triển cung cấp. Đáng tiếc rằng không phải lúc nào các thiết bị Android cũng làm được điều này.

Các bài kiểm tra độc lập cho thấy dòng máy iPhone SE và 6S của Apple đều có thể đạt đến mức 60 FPS trong game Lara Croft Go. Trong khi đó, Samsung Galaxy S7 Edge và HTC 10 chỉ có thể đạt mức 44 FPS, còn LG G5 chỉ đạt 42 FPS.

Người chơi thông thường có thể không nhận thấy hay quan tâm đến sự khác biệt này. Nhưng đối với những người đam mê chơi game hardcore (các dòng game khủng) hay những người phải thi đấu game trên di động, sự khác biệt này có thể là một thảm họa.

Theo Số Hoá.




Bình luận

  • TTCN (0)