Sự cố Galaxy Note 7 từng làm tiêu tốn của Samsung hàng tỉ đô la.

Gần như chắc chắn Samsung sẽ bán ra Galaxy Note 7 tân trang dưới tên gọi Galaxy Note 7R. Theo Android Authority, việc đổi tên nhằm tránh người dùng gợi nhớ về sự cố cháy nổ của Note 7 trong quá khứ. Đồng thời, tên gọi mới cũng giúp sản phẩm trở nên hấp dẫn hơn.

Tại Việt Nam, một số cửa hàng xách tay đã bắt đầu cho đặt trước Samsung Galaxy Note 7 tân trang với giá từ 10 triệu đồng. Máy dự kiến sẽ về nước đầu tháng 6.

Note 7 và những gánh nặng về kinh tế của Samsung

Samsung đã gặp phải một phen điêu đứng sau sự cố Galaxy Note 7. Thống kê cho thấy gã khổng lồ Hàn Quốc đã phải tiêu tốn khoảng 2,3 tỉ USD để thu hồi sản phẩm. Thất bại của Galaxy Note 7 cũng làm giảm lợi nhuận kinh doanh của hãng trong 6 tháng thêm khoảng 3,5 tỉ USD. Người đứng đầu Samsung Mobile - D.J Koh nói rằng đây là một số tiền "đau đớn".

Samsung từng tuyên bố sẽ không bao giờ bán lại Note 7. Sự cố cháy nổ không chỉ tiêu tốn của hãng hàng tỉ đô la mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và vị thế của Samsung.

Vượt qua nỗi đau, với những nỗ lực nghiêm túc của mình, Samsung đã phần nào củng cố lại niềm tin của người tiêu dùng. Trong khi mọi người đang dần quên đi sự cố cháy nổ, Samsung bất ngờ khơi lại kí ức buồn khi tuyên bố bán trở lại Galaxy Note 7 dưới dạng tân trang.

Nhiều người cho rằng đây không phải lựa chọn thông minh. Nhưng đứng trên phương diện kinh tế, quyết định bán lại Galaxy Note 7 hoàn toàn là điều có thể hiểu được.

Samsung cho biết họ đã thu hồi được khoảng 98% trong tổng số hơn 3,06 triệu máy được bán ra. Như vậy, lượng máy tồn kho của Samsung là vô cùng lớn. Theo nguyên tắc, họ không thể cứ để số máy này nằm im như vậy. Các chi phí về mặt bằng, bảo quản hàng tháng cũng là bài toán kinh tế không nhỏ. Nếu buộc phải tiêu huỷ, Samsung sẽ phải tốn thêm một khoản tiền nữa.

Tái sử dụng các linh kiện là lựa chọn khả dĩ nhất trong trường hợp này. Samsung thừa hiểu, mang trở lại một thương hiệu đã khai tử chẳng khác gì tự coi thường uy tín bản thân. Nhưng nhiều thành phần của Note 7 có giá trị lớn, như màn hình AMOLED và bo mạch chủ. Đặc biệt main-board, thành phần đắt nhất của một chiếc điện thoại. Hơn nữa, Samsung còn tự sản xuất một số thành phần, bao gồm bộ nhớ PoP (tích hợp bộ nhớ flash và RAM trên cùng con chip) và chip Exynos 8890.

Ảnh
Bán Note 7 tân trang sẽ giải quyết được một số gánh nặng về kinh tế đối với Samsung.

Những đơn hàng đã kí và dây chuyền lắp ráp, sản xuất đều tạo gánh nặng chi phí lớn. Rất khó để thấy các chi tiết cũ xuất hiện trên Galaxy S8, khi mà đơn đặt hàng và kế hoạch sản xuất rất khó thay đổi chỉ trong vài tháng. Chưa kể, kích thước và cấu hình của hai mẫu điện thoại là khác nhau.

Samsung đã tốn rất nhiều công sức để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến việc cháy nổ của Note 7. Gã khổng lồ Hàn Quốc đã đưa ra nhiều minh chứng cho thấy họ đã kiểm soát được vấn đề. Việc bán lại Galaxy Note 7 với dung lượng pin giảm xuống, một số linh kiện được thay thế để đảm bảo việc cháy nổ không thể xảy ra là điều hoàn toàn hợp lí.

Nếu Note 7 bùng cháy lần

"Nếu Note 7 tân trang bùng cháy lần nữa thì đây sẽ là quyết định tồi tệ nhất của Samsung"

Samsung đã tiêu tốn hàng triệu đô la để nghiên cứu và thuyết phục người dùng về độ an toàn trên các sản phẩm của mình. Trước khi bán lại Note 7 tân trang, hãng cũng phải làm việc với các cơ quan hàng không để gỡ bỏ lệnh cấm mang Note 7 lên máy bay.

Trên thực tế, việc smartphone vô tình bốc cháy trong quá trình sử dụng là điều không hiếm gặp. Nguyên nhân có thể đến từ nhiều phía, nhưng trong trường hợp của Samsung, chỉ cần một sản phẩm gặp sự cố là những kí ức nhạy cảm về Note 7 trong quá khứ sẽ bùng cháy. Điều này thậm chí còn ảnh hưởng trực tiếp đến các sản phẩm mới của hãng như Galaxy S8 và cả Note 8 sắp ra mắt.

Trong trường hợp Note 7 an toàn tuyệt đối, đây cũng không phải thời điểm thích hợp để Samsung bán ra sản phẩm. Sau sự cố, bộ đôi Galaxy S7 và S7 edge đã gánh vác tốt những khoảng trống mà Note 7 để lại. Cho đến khi Galaxy S8 trình làng, Samsung đã phủ đầy sản phẩm của mình trong mọi phân khúc. Đây là một trong những lí do khiến nhiều quốc gia quyết định không bán Samsung Galaxy Note 7 tân trang chính hãng, trong đó có Việt Nam.

Note 7 tân trang không bán chính hãng tại Việt Nam

Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Trí Thông - Giám đốc truyền thông Samsung Vina từng khẳng định: "Samsung không có kế hoạch bán Galaxy Note 7 tân trang trong thời gian tới".

Đại diện các nhà bán lẻ lớn tại Việt Nam cũng cho biết các hệ thống của họ chưa có dự định phân phối model này. Thông tin về việc Galaxy Note 7 tân trang về nước chủ yếu đến từ các cửa hàng xách tay.

Ảnh
Samsung Việt Nam sẽ không bán Galaxy Note 7 tân trang.

Có nhiều lí do khiến Samsung Việt Nam không bán Galaxy Note 7 tân trang.

Đầu tiên là việc Samsung đã phủ đầy sản phẩm của mình trong từng phân khúc. Nếu bán lại Note 7 tân trang, model này sẽ có giá khoảng 10 triệu đồng. Đây là phân khúc mà dòng Galaxy A 2017 đang có doanh số ổn định. Việc bổ sung Galaxy C9 Pro cũng đảm bảo vị thế vững chắc cho Samsung trong nhóm này. Như vậy, sự xuất hiện của Galaxy Note 7 tân trang trong thời điểm này là không cần thiết.

Vấn đề thứ 2 liên quan đến chiến lược marketing. Mặc dù là sản phẩm được nhiều người mong chờ, nhưng nếu không được truyền thông tốt, Note 7 tân trang cũng khó đạt được doanh thu kì vọng tại Việt Nam.

Samsung đang dồn lực cho Galaxy S8, bộ đôi đang nhận được nhiều phản hồi tốt từ thị trường. Nếu quảng bá rầm rộ cho Note 7 tân trang, S8 sẽ bị lu mờ. Đây chắc chắn là điều Samsung không hề muốn.

Thời điểm ra mắt Galaxy Note 8 cũng không còn xa. Vòng đời sản phẩm của Note 7 tân trang quá ngắn. Cho dù được truyền thông rầm rộ thì chắc chắn lượng máy bán ra cũng không quá nhiều. Thị phần của Samsung cũng không tăng là bao.

Nếu xét một cách toàn diện, quyết định không bán Galaxy Note 7 tân trang của Samsung Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn. Những người yêu thích model này có thể chờ mua hàng xách tay. Tuy nhiên, nếu chẳng may xảy ra bất kì sự cố nào, Samsung Việt Nam hoàn toàn có thể từ chối trách nhiệm bảo hành.

Theo Zing.




Bình luận

  • TTCN (0)