Microsoft và Qualcomm đặt nhiều trọng tâm vào Mobile PC tại Computex năm nay

Vào tháng 12/2016, Microsoft và Qualcomm đã hợp tác để khởi động thế hệ Mobile PC với sự kết hợp giữa bộ xử lí ARM và phiên bản đầy đủ của Windows 10. Mobile PC được cho là có thể chạy các ứng dụng x86 Win32 và Windows phổ biến, bao gồm Photoshop, Microsoft Office và các trò chơi phổ biến của Windows.

Đến với Computex năm nay, Microsoft tiết lộ rằng Asus, HP và Lenovo sẽ là những nhà sản xuất đầu tiên ra mắt các thiết bị Windows 10 luôn kết nối, phát triển dựa trên nền tảng Mobile PC đến từ chip Snapdragon 835 của Qualcomm. Microsoft cho rằng những thiết bị mới này sẽ có các tính năng của Windows, LTE luôn kết nối và thời lượng pin tuyệt vời.

Mặc dù chip Snapdragon 835 của Qualcomm đã được tích hợp trong rất nhiều smartphone nhưng máy tính luôn kết nối là trọng tâm của chip tại sự kiện trong khuôn khổ Computex. Máy tính luôn kết nối có thể là máy tính xách tay hoặc cũng có thể là máy tính lai 2 trong 1. Những chiếc máy tính siêu mỏng, nhẹ và không quạt này được phát triển để cạnh tranh với máy tính xách tay cao cấp với bộ xử lí máy tính cá nhân hạng sang.

Nhấn mạnh vào hiệu quả năng lượng và tính di động, Mobile PC cung cấp khả năng truy cập trực tuyến bất cứ khi nào bạn cần. Kích thước nhỏ gọn của chipset Snapdragon 835 cho phép các nhà sản xuất phát triển những sản phẩm mỏng hơn, nhẹ hơn hoặc mở rộng không gian đặt pin nhằm giúp mọi người sử dụng máy tính được lâu hơn.

Theo Qualcomm, khả năng cải thiện thời lượng pin trên Mobile PC lên đến 50% khi so sánh với các laptop x86, trong khi thời gian chờ cũng cao gấp khoảng 5 lần. Chế độ Connected Standby sẽ cho phép người dùng đánh thức thiết bị của họ nhanh hơn, đồng thời cho phép họ kết nối với Wi-Fi và mạng di động khi không sử dụng.

Với khả năng hỗ trợ Gigabit LTE được tích hợp sẵn trong Snapdragon 835 thông qua modem X16, người dùng cũng có thể kết nối nhanh hơn vào các mạng dữ liệu di động hỗ trợ. Microsoft cũng kí kết với nhiều đối tác nhà mạng trên toàn cầu để hỗ trợ thế hệ eSIM trong tương lai.

Theo Thanh Niên.




Bình luận

  • TTCN (0)