Chỉ sau một thập kỉ, doanh số bán iPhone vượt qua cả búp bê Barbie, bật lửa Zippo cùng hàng loạt các dòng máy chơi game nổi tiếng khác.

Nhiều thông tin gần đây xuất hiện trên các phương tiện truyền thông cho hay Amazon sẽ mua lại Whole Food với giá 13,7 tỉ USD. Con số này khiến nhiều người có thể liên tưởng đến một cuộc thay đổi tại vị trí số một.

Nhưng hiện tại, ngôi vị này vẫn thuộc về Apple. Xét trên cả lợi nhuận thu được lẫn giá trị vốn hóa thị trường, công ty của CEO Jeff Bezos vẫn còn kém khá xa so với nhà sản xuất iPhone.

iPhone là một trong những sản phẩm bán chạy nhất lịch sử.

Apple giới thiệu iPhone vào tháng 6/2007, mở ra cuộc cách mạng smartphone thay đổi cách con người làm việc và xã hội hóa, đồng thời gây ảnh hưởng to lớn đến các ngành công nghiệp khác từ âm nhạc cho đến kinh doanh khách sạn. 10 năm sau, iPhone trở thành một trong những sản phẩm bán chạy nhất lịch sử với khoảng 1,3 tỉ thiết bị, tạo ra hơn 800 tỉ USD doanh thu.

iPhone làm lu mờ các sản phẩm khác của Apple

iPhone hiện chiếm đến 2/3 doanh thu của Apple, khiến công ty giờ đây chịu phụ thuộc vào dòng sản phẩm này cũng như làm mờ nhạt tất cả sản phẩm khác của Táo khuyết. Bất kì cú vấp ngã nào xảy ra với iPhone cũng có thể khiến cho Apple phải điêu đứng.

Tuy nhiên, iPhone cũng tạo ra một hướng kinh doanh mới mang đến nguồn doanh thu lớn thứ 2 cho Apple: Ứng dụng và các dịch vụ đi kèm. Kể từ khi App Store ra đời năm 2008, doanh thu từ ứng dụng mang lại cho nhà Táo khoảng 100 tỉ USD từ hơn 16 triệu nhà phát triển trên toàn thế giới.

Theo cố vấn lâu năm của Apple, Regis McKenna, iPhone và các ứng dụng đã trở thành việc kinh doanh "dao cạo và lưỡi dao", mang đến cho họ nguồn doanh thu tuyệt vời.

Apple có thể phát triển vượt qua mọi ranh giới

Khi doanh thu tăng vọt, số lượng nhân viên của họ cũng tăng đáng kể. Apple đã thuê gần 100.000 người trong 10 năm từ khi iPhone ra đời, đưa lực lượng lao động trên toàn cầu của công ty lên đến con số 116.000, từ 18.000 trong năm 2006.

Ảnh
Kể từ khi iPhone xuất hiện, số tiền mà Apple thu về tăng lên một cách nhanh chóng.

Doanh số bán của Apple tại Trung Quốc cũng chiếm một phần lớn doanh thu. Năm 2006, thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) chỉ chiếm 7% doanh thu của Apple. Sau đó, khi iPhone lên kệ tại Trung Quốc vào năm 2009, nó đã trở thành biểu tượng cho người tiêu dùng tại đây. Năm ngoái, riêng Trung Quốc chiếm 23% doanh thu của Táo khuyết, tương đương 48,5 tỉ USD, cao hơn tổng doanh thu Coca-Cola trên toàn cầu. Một số nhà phân tích hiện lo ngại việc Apple đang quá phụ thuộc vào doanh số bán hàng tại quốc gia này.

Apple là cỗ máy in tiền

Biểu đồ dưới đây cho thấy 100 công ty lớn nhất xếp theo mức vốn hóa thị trường. Vòng tròn bên ngoài đại diện cho doanh thu, trong khi vòng tròn bên trong hiển thị lợi nhuận.

Nhìn vào kích thước vòng tròn của Apple (màu vàng to nhất phía trên), dễ dàng nhận thấy công ty này có khả năng kiếm tiền vô cùng ấn tượng. Trên thực tế, lợi nhuận năm 2016 của Apple là 45 tỉ USD, lớn hơn bất kì công ty nào khác trong hay ngoài lĩnh vực công nghệ, bao gồm Bershire Hathaway (24 tỉ USD), JPMorgan Chase (24 tỉ USD), Wells Fargo (22 tỉ USD), Alphabet (19 tỉ USD), Samsung (19 tỉ USD) , Toyota (17 tỉ USD), Johnson & Johnson (16 tỉ USD), hoặc Walmart (14 tỉ USD).

Ảnh
Lợi nhuận của Apple lớn hơn bất kì công ty nào trên hành tinh.

Lợi nhuận của Apple cũng lớn hơn doanh thu của các công ty tên tuổi khác như Coca-Cola (41,5 tỉ USD) và Facebook (27,6 tỉ USD). Các công ty có thể so lợi nhuận với Apple là các ngân hàng Trung Quốc như ICBC, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc hoặc Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc... - vốn được nhà nước hỗ trợ và không cạnh tranh đúng nghĩa trên một sân chơi bình đẳng.

Lượng lớn tiền mặt của Apple nằm ở nước ngoài.

Apple có hơn 250 tỉ USD tiền mặt trong bảng cân đối kế toán, nhưng đến 93% trong số đó (khoảng 240 tỉ USD) lại đang nằm ở nước ngoài. Nếu công ty muốn mang số tiền này về Mỹ, họ phải trả mức thuế 35% theo quy định của chính phủ.

Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đang thông qua một kế hoạch cải cách thuế, nhằm khuyến khích các công ty đang giữ tiền ở ngoài đem số tiền này về lại Mỹ. Tại một số thời điểm, ông từng đề xuất mức thuế chỉ 10% cho các khoản thu này.

Số tiền này nếu được "hồi hương" có thể được sử dụng để mua cổ phần, chia cổ tức, mua lại các công ty... Nếu kế hoạch cải cách này được thông qua, Apple sẽ là một trong những người được hưởng lợi nhất.

Theo Zing.




Bình luận

  • TTCN (0)