Nhà máy sản xuất điện thoại Vertu đóng cửa vì không trả được nợ.

Theo thông tin từ Financial Times và Telegraph, Vertu đã thất bại trong việc đàm phán với các chủ nợ nhằm giải cứu công ty khỏi bị phá sản sau khi đề nghị trả 1,9 triệu bảng Anh (2,4 triệu USD) cho số nợ lên đến 128 triệu bảng. Kết quả, hoạt động sản xuất của Vertu ở Anh sẽ bị dừng, nhà máy đóng cửa, dẫn đến khoảng 200 người mất việc.

Ông chủ của Vertu, Murat Hakan Uzan, vào tháng 3 năm nay đã mua lại công ty từ Godin Holdings của Trung Quốc, khi doanh nghiệp này đang đối mặt với nguy cơ phá sản.

Mặc dù công ty sẽ phá sản nhưng ông Uzan vẫn sẽ được giữ lại thương hiệu Vertu, công nghệ và giấy phép thiết kế. Theo một nguồn tin thân cận, ông chủ Vertu đã có kế hoạch hồi sinh thương hiệu nổi tiếng này trong tương lai.

Vertu bắt đầu hoạt động vào năm 1998, là một phần của hãng điện thoại Phần Lan - Nokia. Vào năm 2012, nó đã được bán cho công ty cổ phần tư nhân EQT. Sau đó vào năm 2015, công ty Trung Quốc Godin Holdings mua lại và đến tay Uzan.

Thương hiệu Vertu nổi tiếng với việc dùng những công nhân lành nghề bậc nhất tại Anh để lắp ráp thiết bị. Những chiếc điện thoại của hãng sử dụng hàng loạt linh kiện quý hiếm, chất lượng gia công cực cao như da đà điểu, kim loại quý và kim cương.

Ảnh
Sử dụng nguyên liệu hiếm để chế tác khiến giá điện thoại Vertu đắt đỏ.

Bên cạnh đó, lắp ráp thủ công, nguyên liệu hiếm là lí do khiến giá sản phẩm Vertu trở nên vô cùng xa xỉ. Dù đa số điện thoại của Vertu sử dụng công nghệ cũ và hãng cũng làm smartphone có cấu hình không cao, thiết kế của Vertu luôn độc đáo.

Thậm chí, chi phí sản xuất một số chiếc điện thoại còn vượt quá mức 30.000 USD. Chính vì thế giá của các mẫu điện thoại do Vertu sản xuất luôn ở "trên trời" và người bình thường gần như không thể mua được.

Theo Zing.




Bình luận

  • TTCN (0)