Phối cảnh nhà máy sản xuất chip Intel tại Việt Nam.
Thị trường trong nước mở rộng cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ đối với đầu tư nước ngoài là hai nguyên nhân chính giúp tăng doanh số bán ra các sản phẩm chip tại 2 thị trường đầy tiềm năng này.

Trong báo cáo thường niên (lần thứ 14) về lộ trình phát triển thị trường bán vi mạch khu vực châu Á – TBD của Gartner, Phó giám đốc nghiên cứu Phillip Koh cho biết Ấn Độ đang là thị trường chip tăng trưởng nhanh nhất thế giới với tỉ lệ 19,2%/năm (từ năm 2007 tới nay, và dự kiến đến hết năm 2012). Điều này có nghĩa xét trên quy mô toàn cầu, thị trường Ấn Độ có mức tăng trưởng cao nhất trong lĩnh vực tiêu thụ sản phẩm chip.

Trong nhóm những thị trường châu Á – TBD có tốc độ phát triển nhanh nhất khác mà Gartner liệt kê ra có Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Trong số này, Việt Nam đứng đầu bảng với chỉ số CAGR (tổng tăng trưởng trung bình hàng năm) vào loại cao nhất – 46%.

Cũng theo dự đoán của Gartner, thị trường chip châu Á-TBD sẽ tăng trưởng 6,4% trong năm nay, đạt 160 tỉ USD. Tổ chức phân tích này còn dự đoán thị trường khu vực sẽ tạo ra doanh thu khoảng 203 tỉ USD vào năm 2012.

Ông Koh cho rằng nhu cầu mạnh mẽ về thiết bị điện tử của thị trường trong nước cộng với môi trường đầu tư thông thoáng là hai động lực chính giúp Ấn Độ và Việt Nam vươn lên hàng đầu. Cũng theo ông Koh, dự kiến thị trường bán vi mạch Ấn Độ sẽ đạt khoảng 9,8 tỉ USD vào năm 2012, tăng gấp đôi so với doanh thu 4,1 tỉ USD trong năm ngoái. Trong khi đó, thị trường chip Việt Nam được dự báo sẽ đạt 6,6 tỉ USD vào năm 2012.

Trong báo cáo của mình ông Koh cũng nêu rõ những Ấn Độ đã thực thi một loạt các thay đổi về chính sách đầu tư để khuyến khích các công ty sản xuất chip xây dựng nhà máy tại đây. Đồng thời, Ấn Độ còn tăng cường năng lực thiết kế chip và kết quả là nước này chiếm tới 25% doanh thu từ dịch vụ thiết kế chip toàn cầu trong năm 2008.

Cũng tương tự như thế, Việt Nam đã thu hút được rất nhiều khoản đầu tư nước ngoài trong hai năm qua. Theo ông Koh, chính phủ Việt Nam đã thực thi nhiều biện pháp để kích thích đầu tư; tuy nhiên, ông Koh cho rằng để thu hút nhiều nhà đầu tư hơn (trong lĩnh vực sản xuất chip), Việt Nam cần cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông và củng cố luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

“Chúng tôi cho rằng Ấn Độ sẽ là động lực chính thúc đẩy thị trường chip toàn cầu trong 3 năm tới; và những thị trường mới nổi như Việt Nam cũng sẽ đóng góp tích cực vào xu hướng này”, nhận định của Phillip Koh.

Theo dự báo của Gartner, đến năm 2012, Ấn Độ sẽ chiếm 5% trong tổng doanh thu chip toàn cầu, tăng 3% so với năm 2007. Trong khi đó, các thị trường Đông Nam Á sẽ chiếm khoảng 13% doanh thu chip khu vực châu Á-TBD; và Trung Quốc sẽ chiếm khoảng 62%, tăng 3% (59%) so với năm 2007.

(Theo Vnmedia/BusinessWeek)



Bình luận

  • TTCN (0)