Trong một thập kỷ tồn tại, Google đã không ít lần thay đổi giao diện. Thực chất mỗi lần thay đổi giao diện đều là một sự thay đổi có chủ ý nằm trong chiến lược phát triển riêng của hãng này. Xin giới thiệu đến bạn đọc “những bộ mặt” mà Google đã sử dụng trong 10 năm qua nhân dịp hãng tròn 10 tuổi.
Đây là giao diện trang chủ Google trong giai đoạn năm 1997 và đầu năm 1998. Khi đó, Google vẫn còn phải sử dụng tên miền “google.stanford.edu” - tên miền thuộc Trường ĐH Stanford (Mỹ), nơi hai người đồng sáng lập Larry Page và Sergey Brin theo học. Tại thời điểm này, dấu hiệu “Beta” (thử nghiệm) cũng vẫn chưa được hiển thị.
Tiếp theo là giao diện trang chủ được Google sử dụng trong năm 1998. Dấu hiệu “Beta” đã xuất hiện đồng nghĩa với việc Google chính thức đưa công cụ tìm kiếm vào thử nghiệm rộng rãi. Song nhìn vào giao diện này người dùng vẫn chưa thấy được một sự nhất quán mà còn khá lộn xộn. Tìm kiếm vẫn chủ yếu tập trung vào “Stanford Search” - tức là tìm kiếm những gì liên quan đến Trường ĐH Stanford.
Ngoài ra ở giao diện này, chúng ta cũng được nhìn thấy một dịch vụ đã từng được Google sử dụng - dịch vụ “tin thư” (newsletter). Một dạng dịch vụ cung cấp thông tin cập nhật định kỳ hằng tháng về Google cho người dùng thông qua thư điện tử. Dịch vụ này đến nay không còn tồn tại.
Bước sang năm 1999, người dùng được chứng kiến một bước đột phá trong chiến lược phát triển của Google. Đó là việc Google nhận ra dịch vụ tìm kiếm web của hãng hoàn toàn có thể đứng độc lập một mình, bởi tại thời điểm này tìm kiếm vẫn là một lĩnh vực còn rất ít đối thủ cạnh tranh và đang phát triển khá chậm chạp.
Giao diện trang chủ Google năm 1999 là giao diện đơn giản nhất và có ít liên kết nhất trong tổng thể toàn bộ các giao diện đã được “gã khổng lồ tìm kiếm” này sử dụng trong 10 năm qua.
Còn một điểm đáng chú ý nữa được bộc lộ thông qua giao diện này. Đó là năm 1999 Google chưa hề được biết đến rộng rãi nên hãng này vẫn phải đưa ra lời giải thích “Search the web using Google” - dịch nghĩa nôm na: Google là công cụ tìm kiếm nội dung trên web.
Năm 2000, “sống sót” sau sự kiện Y2K và “quả bong bóng dot-com”, Google bắt đầu chú ý hơn đến việc cung cấp cho người dùng dịch vụ tìm kiếm mang tính địa phương hóa. Cụ thể là cho phép người dùng tìm kiếm bằng nhiều ngồn ngữ khác nhau. Và để làm mới mình cũng như thu hút nhân tài sau “sự cố bong bóng dot-com”, Google giới thiệu đến người dùng hai liên kết “cũ mà lại mới” - gồm “About Google” (Giới thiệu về Google) và “Job@Google” (Google tuyển dụng).
Năm 2000 cũng là năm đánh dấu việc công cụ tìm kiếm Google “thoát kiếp Beta” và tự hào với danh hiệu “Best search engine” (Công cụ tìm kiếm tốt nhất), chính thức qua mặt “đối thủ” Yahoo.
Ngoài ra, ngay từ năm 2000, Google cũng đã bắt đầu có thiên hướng thúc đẩy sự phát triển công nghệ di động - ở đây là công nghệ WAP. Người dùng có thể thấy được dòng quảng cáo công nghệ này trực tiếp ngay trên giao diện của Google.
Điều đầu tiên phải nhắc đến trong giao diện năm 2001 của Google chính là liên kết để người dùng chia sẻ đau thương với những nạn nhân của vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 tại Mỹ. Cùng với đó là liên kết cung cấp thông tin cho người dùng về những vụ tấn công đánh bom khủng bố đẫm máu khác như ở thủ đô Madrid (Tây Ban Nha)… Đây cũng là lần đầu tiên liên kết tin tức được đưa trực tiếp lên giao diện trang chủ của Google.
Năm 2001 cũng là năm Google bắt đầu xúc tiến phát triển thêm nhiều dịch vụ hơn nữa, trong đó có vẻ như nổi tiếng nhất là dịch vụ Google Web Directory, Google Groups. Thêm vào đó, để quảng cáo cho bản thân mình, giờ đây ngay trên hộp nhập từ khóa tìm kiếm, Google ghi rõ số lượng website mà công cụ tìm kiếm của hãng này có thể “sục sạo” để tìm kiếm nội dung giúp người dùng.
Năm 2002, Google lại thay đổi chiến lược một lần nữa. Trên giao diện trang chủ đã xuất hiện thêm nhiều liên kết hơn. Thực chất đó là việc Google bắt đầu phân tách rõ rệt kết quả tìm kiếm thành nội dung địa chỉ website (web) hay hình ảnh (images)… và được thể hiện theo những “thẻ” (tab) khác nhau. Dòng quảng cáo số lượng website đã được Google lập chỉ mục giờ đây được chuyển xuống nằm ngang hàng với dòng bản quyền.
Năm 2002 cũng là năm đánh dấu mở đầu thời kỳ phát triển cực kỳ mạnh mẽ của Google. Công cụ tìm kiếm này ngày càng trở nên phổ biến hơn trong cộng đồng người dùng web.
Và cũng bắt đầu từ năm 2002 người dùng được chứng kiến một logo Google đẹp và sinh động hơn rất nhiều. Logo được thay đổi tùy theo từng sự kiện lớn trên thế giới hay một ngày lễ nào…
Đây là giao diện trang chủ Google được chụp lại nhân ngày lễ Valentine năm 2003. Không có gì thay đổi nhiều so với giao diện đã được sử dụng trong năm 2002. Có một điểm đáng chú ý là năm 2003 con số website được Google lập chỉ mục đã chạm vạch 3 tỉ.
Tiếp theo là những thay đổi ở giao diện trang chủ Google trong thời kỳ diễn ra Olympic 2004. So với hai năm trước, giao diện lần này đã trở nên gọn nhẹ hơn, không còn các thẻ và thêm nhiều dịch vụ mới hơn như Google News, Froogle, quảng cáo, giải pháp doanh nghiệp… nhưng người dùng đã không còn thấy Google Directory đâu nữa.
Thêm một con số ấn tượng nữa được Google thể hiện trong giao diện năm 2004. Đó là chỉ sau đúng một năm, số lượng website được hãng này lập chỉ mục đã tăng thêm 1 tỉ nữa, đạt tới con số 4 tỉ website.
Giao diện trang chủ Google năm 2005 cũng không có gì khác biệt lớn so với năm 2004 nhưng một lần nữa con số website được Google lập chỉ mục lại tạo nên một tiếng vang lớn. Chỉ một năm sau khi lập chỉ mục được tới trên 4,2 tỉ website, Google đã đẩy con số này lên gấp đôi, vượt trên 8 tỉ website.
Năm 2006 đánh dấu việc Google bắt đầu liên kết đa dạng dịch vụ thông qua một tài khoản Google Account duy nhất. Tuy nhiên, không ít người dùng cảm thấy không thật sự hài lòng với việc xuất hiện một đường liên kết cá nhân nằm ở góc trên cùng bên tay phải.
Đây cũng là năm đánh dấu sự quay trở lại của “Business Solution” sau khi liên kết này biến mất khỏi trang chủ của Google trong năm 2005. Số lượng website được lập chỉ mục cũng đã được Google chính thức cho loại bỏ khỏi giao diện trang chủ.
Năm 2007 đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trên giao diện của Google sau một thập kỷ tồn tại trên thế giới mạng Internet. Những liên kết nội dung tìm kiếm trước đây vốn nằm chình ình ngay trên hộp nhập từ khóa tìm kiếm thì giờ đây đã được đẩy lên góc trên cùng bên tay trái. Các dịch vụ mà Google cung cấp cho người dùng cũng đã trở nên phong phú hơn rất nhiều như News, Video, Maps, Mail… Tôn chỉ mà Google đưa ra là “kết hợp tất cả trong một lần tìm kiếm” - tức là người dùng chỉ cần tìm một lần với một từ khóa nhưng họ có thể tìm được liên kết web, hình ảnh, video, tin tức…
Trong những năm gần đây, Google nổi lên như một hiện tượng mới. Tháng tư vừa qua, hãng được Millward Brown xếp vị trí số một trong danh sách 100 thương hiệu mạnh nhất thế giới với 86 tỉ USD vì tình hình tài chính liên tục hoàn hảo và giá trị cổ phiếu đã gia tăng rất cao. Hôm 3/9, hãng tạp chí nổi tiếng Vanity Fair (Mỹ) cho biết các ông chủ của Google - gồm hai nhà sáng lập Sergey Brin, Larry Page - được xếp thứ ba trong danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới, chỉ sau Thủ tướng Nga Vladimir Putin và ông trùm truyền thông Rupert Murdoch.
So sánh với Microsoft
Báo New York Times (Mỹ) đã làm một so sánh tương quan lực lượng giữa Microsoft và Google nhân dịp 10 năm kể từ thời điểm Google hợp nhất.
Thời điểm tròn 10 năm theo Google tính là vào ngày 7/9, tức Chủ nhật tuần này. Trong thập kỷ đó, công ty công cụ tìm kiếm này đã nhanh chóng nổi lên là doanh nghiệp thành công nhất trên web và nhiều người hy vọng nó sẽ thống trị kỷ nguyên tiếp theo của điện toán (computing) như Microsoft đã thống lĩnh kỷ nguyên máy tính cá nhân.
Dưới đây là những lát cắt Google bằng những con số cùng với một số so sánh với Microsoft. Nguồn số liệu do các công ty trong cuộc, Yahoo! Finance và hãng comScore cung cấp.
- Google: 10 tuổi. Microsoft: 33 tuổi
- Doanh thu của Google trong 4 quý cuối cùng: 19,6 tỷ USD. Microsoft: 60,4 tỷ USD
- Doanh thu của Microsoft ở tuổi lên 10: 140 triệu USD (tương đương 279 triệu USD tính theo giá trị đồng USD thời điểm hiện tại)
- Doanh thu của Google tính theo mỗi giờ trong 4 quý cuối cùng: 2,2 triệu USD. Microsoft: 6,9 triệu USD
- Thu nhập ròng của Google trong 4 quý cuối cùng: 4,85 tỷ USD. Microsoft: 17,6 tỷ USD
- Số lượng nhân viên Google tính đến 30/6/2008: 19.604. Microsoft (tính đến 31/5/2008): 89.809
- Doanh thu của Google tính theo mỗi nhân viên: 1 triệu USD. Microsoft: 672.000 USD
- Giá trị thị trường của Google: 142 tỷ USD. Microsoft: 241 tỷ USD
- Số các công ty công nghệ có giá trị thị trường lớn hơn Google: 3 (Microsoft, IBM và Apple).
- Toàn thế giới tìm kiếm trên Google trong tháng 7/2008: 48,7 tỷ. Microsoft: 2,3 tỷ USD
- Toàn thế giới tìm kiếm tính theo mỗi giờ trên Google trong tháng 7/2008: 65 triệu. Microsoft: 3,1 triệu
(theo TTO, ICTnews)
Bình luận