Ngoài những thú vị về công nghệ hình ảnh tích hợp, Xperia XZ1 vừa lộ diện tại IFA 2017 có thể khiến người yêu thích điện thoại Sony bị tụt cảm xúc với thiết kế “bình cũ” hao hao sản phẩm tiền nhiệm. Sony thực sự đang bảo thủ vì cạn kiệt ý tưởng hay kiên định tìm kiếm thành công trên lối đi riêng?
Nói không với màn hình tràn cạnh và camera kép
Trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng 6 nhân dịp ra mắt XZ Premium, ông Yasuharu Nomura - Giám đốc Trải nghiệm người dùng và hoạch định sản phẩm của Sony Mobile – đã chia sẻ rằng hãng có hướng đi riêng và dành thời gian nghiên cứu xu hướng cũng như thói quen người dùng.
Trong khi một số hãng tập trung kéo dài màn hình với những tỉ lệ kì lạ thì Sony mang đến cho người dùng công nghệ màn hình HDR để tối ưu trải nghiệm hiển thị. Và hãng sẽ không đánh đổi độ mỏng của viền màn hình với độ bền của sản phẩm, vốn là yếu tố làm nên tên tuổi Sony.
Mặc dù điện thoại Sony có thiết kế riêng biệt dễ nhận diện, tuy nhiên qua từng ấy năm, từ dòng Xperia Z đến XZ, nay là XZ1, Sony vẫn không thay đổi mấy trong thiết kế. Đặc biệt những đổi mới như màn hình rộng tràn viền của Samsung, LG, Xiaomi hay trào lưu camera kép ngay cả Apple cũng làm theo nhưng Sony vẫn tiếp tục đứng ngoài.
Nếu cứ tiếp tục mong chờ một thế hệ Xperia kế cận, tạm gọi là XZ2, với những đặc điểm thiết kế đang đốn tim người dùng như màn hình cong tràn cạnh, viền màn hình mỏng, camera kép… thì hãy thử cân đo xem chiếc máy “lột xác” này sẽ được gì và mất gì?
Tất cả những mẫu điện thoại sở hữu viền màn hình cong tràn cạnh của Samsung, BlackBerry, Xiaomi, Huawei… đều được hiện thực bởi công nghệ màn hình OLED thay vì LCD, có thể do lợi thế của OLED trong việc sản xuất màn hình cong.
Vì gần như chưa có kinh nghiệm thương mại hoá smartphone màn hình OLED, Sony sẽ phải gặp khó khăn khi chen chân vào phát triển smartphone màn hình cong tràn cạnh.
Đó là chưa kể những khó khăn hãng có thể gặp phải khi tìm nguồn cung ứng màn hình thích hợp. Trong khi, các công ty Hàn Quốc như Samsung, LG vốn đã có kinh nghiệm lâu năm trong việc sản xuất và áp dụng màn hình OLED vào sản phẩm cũng như thử sức với màn hình cong nên không ngoa khi gọi đây là thế mạnh của họ.
Đây có thể là một trong các nguyên nhân chính khiến điện thoại Sony chậm chân trong việc trang bị màn hình tràn viền. Tuy vậy, trong khi các hãng điện thoại Trung Quốc đang nhanh chân chạy theo xu hướng này, kể cả iPhone 8 sắp ra mắt cũng cho thấy màn hình chiếm phần lớn mặt trước so với các smartphone trước; hay ngay cả Samsung sắp tới có thể ra smartphone camera kép thì Sony vẫn bình chân như vại.
Các smartphone gần nhất của Sony có viền màn hình dày, có thể là hướng đi rất thực tế của Sony, để tạo đủ không gian thoáng rộng phía trước nhằm gia cố về chi tiết, tối ưu bố cục linh kiện giúp bảo đảm độ bền của sản phẩm. Tuy vậy việc đứng ngoài xu thế chung dù với lí do gì đi nữa thì hãng cũng mất lợi thế cạnh tranh khi so với đối thủ.
Thay vì làm một cuộc lột xác về thiết kế, Sony đã mạnh tay áp dụng thế mạnh của mình lên XZ1 với công nghệ hình ảnh với HDR10 kết hợp Triluminos, X-Reality.
Hãng cũng tiếp tục nâng cấp máy ảnh của XZ1 khi bổ sung thêm khả năng quét và tạo ảnh ba chiều với 3D Creator cho phép kết hợp với máy in 3D để toạ ra các mẫu in thực tế thú vị, sau khi gây ấn tượng với khả năng quay chậm 960fps trên XZs và XZ Premium.
Chiến lược riêng của Sony càng thể hiện rõ khi hãng tiếp tục phát triển các phiên bản Xperia Compact với thiết kế nhỏ gọn nhưng có cấu hình hoàn toàn không hề kém cạnh mẫu Xperia kích thước tiêu chuẩn.
Trong mắt của nhiều người, Sony đang thể hiện sự bảo thủ trong thiết kế khiến cho smartphone Xperia trở nên kém đột phá, nhàm chán nếu so sánh với các nhà sản xuất khác. Nhưng đứng ở một khía cạnh khác, Sony vẫn đang phục vụ tốt lượng lớn khách hàng trung thành và có những lí do để hạnh phúc với hướng đi riêng hiện tại.
Từng nắm chuẩn mực thiết kế
Trước khi được “dán nhãn” bảo thủ vì sự chậm chạp trong việc làm mới thiết kế của điện thoại Xperia trong vòng 5 năm trở lại đây, Sony đã từng nắm trong tay chuẩn mực thiết kế điện thoại trong quá khứ.
Các dòng điện thoại Cybershot “triệu phú pixel” K750, Walkman “nữ hoàng nhạc số” W800i, siêu mẫu Xperia Arc… dưới triều đại Sony Ericsson đã là biểu tượng về thiết kế lẫn tính năng trong làng di động. Và ngay cả khi hoàn toàn về dưới mái nhà Sony, chiếc Xperia Z của năm 2013 từng tiên phong với thiết kế vuông vắn có khả năng chống bụi nước bền bỉ kèm ngôn ngữ thiết kế Omni Balance cân xứng, hài hoà cũng là biểu trưng của Sony.
Các mẫu Xperia Z1, Z2, Z3 tiếp nối những năm sau từng bước được hoàn thiện về ngoại hình rồi dần tạo nên ngôn ngữ thiết kế tiêu biểu để các hãng điện thoại khác dõi theo.
Nhưng cũng qua các thế hệ kế cận này, trong khi Sony bận chăm chút để thiết kế Xperia Z thêm chỉn chu thì các đối thủ đã tìm mọi cách lột xác để tăng vọt khả năng cạnh trên trên thị trường smartphone khốc liệt.
Dĩ nhiên Sony cũng có lộ trình làm mới sản phẩm khi chuyển từ Omni Balance sang Monolithic, nhưng cả hai ngôn ngữ thiết kế thực sự không tạo ra khác biệt đủ lớn mang tính cách mạng.
Đến khi Xperia XZ, XZs, XZ Premium và gần nhất là XZ1, Sony đã chuyển sang sử dụng kim loại thay cho mặt lưng kính. Nhưng với một số người dùng thì kiểu dáng của các máy Xperia mới này vẫn chưa đủ đột phá khi vẫn tiếp tục duy trì kiểu dáng vuông vắn quá nam tính và phần viền trên dưới màn hình quá dày ở thời đại tung hoành của những khái niệm: không viền, màn hình cong tràn cạnh…
Rõ ràng Sony có lí do riêng để không đi theo thị hiếu, hãng vẫn có những công nghệ camera, màn hình và âm thanh thừa hưởng từ hệ sinh thái của mình, tuy nhiên việc đứng ngoài trong nhiều xu thế chung có thể khiến hãng bị gán mác bảo thủ. Tấm gương của Nokia hay BlackBerry trong việc chậm chân với thời cuộc có thể là lời nhắc nhở mà Sony, đặc biệt là mảng di động, nên xem qua.
Theo ICTnews.
Bình luận