Tổng số thuê bao di động của Việt Nam, Ấn Độ, Lào, Căm-pu-chia, Bangladesh, Pakistan và Sri Lanka đến cuối năm 2012 ước đạt con số 1,06 tỉ, góp phần mang lại nguồn doanh thu lên tới 61,35 tỉ USD cho các nhà cung cấp mạng di động.

Theo Báo cáo phát triển di động khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Hãng phân tích Frost & Sullivan, hiện tổng số thuê bao di động của các thị trường nói trên đứng ở con số 487 triệu – tương đương 37,1% tổng số thuê bao di dộng của toàn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Và tính đến hết năm 2012 các thị trường này sẽ đón nhận thêm khoảng 573 triệu thuê bao di động mới, đưa tổng số thuê bao di động vượt qua mốc 1 tỉ, đạt khoảng 1,06 tỉ thuê bao.

Con số thống kê của Frost & Sullivan cũng cho thấy trong năm 2007 tổng doanh thu viễn thông di động của các thị trường trên đây đạt khoảng 33,27 tỉ USD. Trong khoảng 5 năm tới đây tốc độ tăng trưởng doanh thu sẽ liên tục được duy trì ở mức trung bình 10,7%. Đến cuối năm 2013 tổng doanh thu của 8 thị trường này sẽ đạt tới con số 61,35 tỉ USD.

Jeff Teh – Chuyên gia phân tích của Frost & Sullivan – cho biết hiện có tới hơn một nửa số thuê bao di động thế giới sinh sống ở các nước đang phát triển. “Thị trường di động Châu Âu và Châu Mỹ đã bão hòa nên không còn duy trì được tốc độ phát triển mạnh. Rồi sẽ đến lúc Châu Á cũng phải đối mặt với tình trạng tương tự. Càng phát triển nhanh bao nhiêu thì càng sớm bị bão hòa nhanh bấy nhiêu. Khi đó cơ hội phát triển sẽ ít đi buộc các nhà mạng phải tìm được hướng đi mới”.

“Nóng” ở nông thôn nhưng doanh thu thấp

Chuyên gia phân tích Teh nhận định các thị trường đang phát triển đã “hiến” cho các nhà mạng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương “một kế sách vẹn toàn” giúp họ có thể nhanh chóng thực hiện mục tiêu thu hút thêm một tỉ thuê bao di động mới. Đó là phải chú trọng đến khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, mặt trái của “kế sách” này là “doanh thu thấp”. Hầu hết người dân sống ở khu vực nông thôn các nước đang phát triển đều có thu nhập thấp. Ông Teh cho biết mức thu nhập bình quân hàng tháng của những đối tượng khách hàng này thường ở mức dưới 3,90 USD.

Thêm vào đó đối tượng khách hàng này sẽ chỉ chủ yếu sử dụng các dịch vụ trả trước. Frost & Sullivan cho biết có tới 86-97% thuê bao di động ở các thị trường đang phát triển là sử dụng dịch vụ trả trước. Điều này đồng nghĩa với việc – ông Teh nhận định – nguồn doanh thu không ổn định với nhà mạng.

Thách thức lớn nhất đối với các nhà mạng và nhà đầu tư viễn thông di động ở các thị trường như thế này là phải tìm được một mô hình kinh doanh mới cũng như một chính sách giá thành dịch vụ phù hợp với đối tượng khách hàng luôn lấy giá cả làm mục tiêu chọn lựa dịch vụ.

“Trong tương lai gần dịch vụ chủ chốt tại những thị trường đang phát triển vẫn chủ yếu chỉ là các dịch vụ cơ bản như tin nhắn văn bản hay thoại,” ông Teh nhận định.

“Bên cạnh việc phải tìm cách sống chung với các quy định pháp lý tại mỗi thị trường khác nhau và có được chính sách giá dịch vụ tốt nhất, các nhà mạng còn phải đối mặt với việc làm thế nào để có thể mở rộng mạng lưới dịch vụ đến khu vực nông thôn một cách hiệu quả nhất trong khi đó vẫn có thể duy trì được sự cân bằng chi phí vận hành và mang lại lợi nhuận hợp lý”.

Chuyên gia Teh cũng nhận định chắc chắn sự cạnh tranh giữa các nhà mạng ở khu vực nông thôn sẽ “rất khắc nghiệt”. “Hầu hết các thị trường đang phát triển đều có ít nhất là 5 nhà mạng đang hoạt động. Cạnh tranh là một điều không thể tránh khỏi và thực sự sẽ rất khắc nghiệt đối với các nhà mạng có quy mô nhỏ”.

Sáng kiến phát triển

Nhằm mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ điện thoại di động ở khu vực nông thôn, trong thời gian qua, nhiều quốc gia đã triển khai thực hiện nhiều sáng kiến như điện thoại làng (village phones), liên kết chia sẻ sử dụng chung trạm tiếp sóng giữa các nhà mạng, liên kết cộng đồng bằng các dịch vụ di động hỗ trợ truy cập hay thanh toán…

Chuyên gia Teh tin tưởng rằng những sáng kiến như trên là một điều vô cùng cần thiết nhằm giúp các quốc gia thực hiện tầm nhìn kết nối (connectivity vision). Ví dụ, công nghệ không dây đã mang Internet về nông thôn, loại bỏ nhu cầu phải đầu tư lớn xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối mạng cố định và nguồn điện năng, mang lại khả năng cung cấp kết nối tốc độ nhanh hơn rẻ hơn cho người dân.

(Theo Vnmedia/PCW, AFP, Networkworld)



Bình luận

  • TTCN (0)