Tháng 7/2012, phiên tòa phân xử việc Apple đòi Samsung bồi thường số tiền kỉ lục 2,5 tỉ USD vì "ngang nhiên bắt chước mù quáng và không chút sáng tạo các thiết kế và công nghệ trong iPhone và iPad" bắt đầu diễn ra tại Mỹ. Kết quả, tòa khẳng định hãng điện tử Hàn Quốc cố tình (không phải ngẫu nhiên) sao chép iPhone và phải bồi thường tới 1 tỉ USD (dù vẫn chưa bằng một nửa con số mà Apple chờ đợi).
Tuy nhiên, sau nhiều lần kháng cáo, Samsung giảm được mức bồi thường xuống chỉ còn 399 triệu USD. Tuần này, họ tiếp tục thành công khi tòa án cho biết sẽ sớm mở một phiên xử mới để xem xét số tiền trên đã công bằng chưa hay cần tính toán lại.
Theo BGR, diễn biến cuộc chiến Apple - Samsung đang cho thấy việc sao chép iPhone có lẽ lại là quyết định có lợi nhất mà hãng Hàn Quốc từng đưa ra.
Từ 2011, vụ kiện dai dẳng giữa Apple và Samsung đã kéo dài tại hơn 10 quốc gia thuộc 4 châu lục (châu Mỹ, châu Âu, châu Á và châu Đại dương). Trong số đó, vụ tranh chấp ở Mỹ được quan tâm nhất, "không phải bởi số tiền 2,5 tỉ USD mà là liệu Samsung có quyền tiếp tục bán sản phẩm của họ hay không" theo lời Mark A. Lemley, Giáo sư tại trường luật Stanford.
Khi ấy, hành động sao chép của Samsung được coi như một canh bạc lớn của hãng. Một tài liệu dài 132 trang bị rò rỉ cho thấy Samsung đã yêu cầu nhân viên tạo ra những chiếc điện thoại Android trông giống iPhone.
Luật sư William Lee của Apple nhấn mạnh: "Chúng tôi mất 5 năm để tạo nên cuộc cách mạng với iPhone. Samsung mất ba tháng để sao chép lại. Đó là thực tế đơn giản, rõ ràng và không thể phủ nhận". Còn luật sư Charles Verhoeven của Samsung thuyết phục: "Hãy để chúng tôi cạnh tranh tự do trên thị trường thay vì để Apple cố ngăn chặn họ tại tòa".
Mục tiêu của Apple là khiến điện thoại Android, trong đó có của Samsung, bị cấm bán trên thị trường. Khi còn sống, Steve Jobs tuyên bố "sẽ dùng đến đồng xu cuối cùng để hủy hoại Android vì đó là sản phẩm ăn cắp".
Tuy nhiên, trong khi Apple chống lại Samsung, thì hãng Hàn Quốc đã kịp xây chắc ngôi vị nhà sản xuất thiết bị Android số một, tiếp đó là hãng điện thoại lớn nhất thế giới. Họ cũng dần thay đổi để cho ra đời những sản phẩm hoàn toàn khác biệt với iPhone, thậm chí dẫn dắt thị trường như màn hình vô cực hay tiên phong trong dòng phablet với bút S Pen.
Như vậy, với phán quyết tỉ đô, Samsung bị coi như thua trắng Apple và đối mặt với nỗi lo bị cấm bán. Tuy nhiên, 5 năm trôi qua, dường như họ đang lật ngược lại thế cờ. Samsung vẫn thu về lợi nhuận khổng lồ và hoàn toàn có thể trả dứt điểm khoản tiền phạt mà không ảnh hưởng gì tới công việc kinh doanh. Nhưng họ không làm thế.
Samsung chọn cách đấu tranh và vươn lên, như lời họ từng nói tại tòa cách đây nửa thập kỉ: "Hôm nay là ngày chiến thắng của Apple, nhưng là sự thua thiệt với người sử dụng Mỹ. Họ sẽ có ít lựa chọn hơn và nhất là giá bán sản phẩm có thể cao hơn. Đáng tiếc, luật bản quyền có thể khiến một công ty độc quyền thiết kế chữ nhật bo góc, hay độc quyền công nghệ đã được cải tiến, hoàn thiện hơn mỗi ngày nhờ Samsung và các công ty khác. Đây chưa phải lời cuối và cuộc chiến sẽ còn diễn ra trên khắp thế giới. Samsung sẽ tiếp tục đổi mới để mang đến nhiều lựa chọn cho khách hàng".
Thực tế, Apple vẫn cần Samsung như một đơn vị cung ứng linh kiện, Samsung cũng cần Apple như một khách hàng lớn. Hai bên có thể tiếp tục đưa nhau ra tòa, nhưng người tiêu dùng đã ít quan tâm hơn bởi việc hãng Hàn Quốc có sao chép thiết kế cũ của Apple hay không thì cũng đã là chuyện quá khứ.
Người tiêu dùng chóng quên. Họ không còn nhớ thiết bị ban đầu của Samsung giống Apple thế nào. Họ chỉ quan tâm đến hiện tại. Galaxy và iPhone của năm 2017 không còn giống như của 5-10 năm trước.
Đã đến lúc hai bên dừng lại và hòa giải. Như chuyên gia Bryan Love từng nhận xét, trong một ngành công nghiệp tồn tại sự chồng chéo, nơi có quá nhiều công ty nắm giữ những bản quyền quan trọng khác nhau trên cùng một thiết bị (riêng chiếc điện thoại nhỏ bé cũng chứa tới 250.000 bằng sáng chế), thì kiện cáo là vũ khí hủy diệt lẫn nhau. Do đó, tốt nhất các bên nên ngồi lại thương lượng để chia sẻ bản quyền hơn là lôi nhau ra tòa.
Theo Số Hoá.
Bình luận