Số liệu thống kê tại Thế Giới Di Động, FPT Shop, CellphoneS cho thấy hơn nửa giao dịch mua điện thoại trên 10 triệu đồng đều thực hiện bằng phương thức trả góp.

Tại Thế Giới Di Động, chuỗi đang chiếm khoảng 40% thị phần di động tại Việt Nam, lượng người mua trả góp chiếm 48% đối với các máy trên 10 triệu đồng.

Trong khi đó, FPT Shop - chuỗi bán lẻ thị phần đứng ngay sau Thế Giới Di Động - ghi nhận đến 60% người mua máy trên 10 triệu đồng thanh toán bằng hình thức trả góp. Chuỗi bán lẻ CellphoneS cho biết phân khúc này cũng có 56% các thanh toán sử dụng tiền vay từ các tổ chức tài chính.

Người mua hàng trả góp có thể trả trước một khoản tiền, sau đó chọn hình thức trả góp phổ biến trong vòng 6-12 tháng.

Đại diện Thế Giới Di Động cho biết trả góp hiện nay đang là xu hướng, “bây giờ đi đâu cũng thấy khuyến mại trả góp lãi suất 0%, trả góp trả trước 0 đồng” - vị này nói.

“FPT Shop kết hợp cùng với hãng và các đối tác để đem đến cho khách hàng các chương trình trả góp ưu đãi 0% hoặc 0 đồng giúp kích cầu tiêu dùng”, FPT Shop cho biết.

Tổng lượng máy bán trả góp tại Thế Giới Di Động hiện nay là 26% trên toàn bộ máy bán ra. Trong khi đó, tại FPT Shop con số này vào khoảng 30%. Dù chỉ chiếm 26% số lượng máy nhưng doanh thu mang lại từ trả góp tại Thế Giới Di Động lại lên đến 47%, tức chiếm gần nửa lượng tiền thu về.

Xu hướng trả góp không chỉ cao ở nhóm điện thoại đắt tiền. Tại Thế Giới Di Động, có đến 61% người mua máy ở phân khúc giá 4,5 triệu - 10 triệu sử dụng hình thức trả góp. Con số này tại CellphoneS là 38%. Tại FPT Shop, một nửa người mua máy ở phân khúc 5-10 triệu đồng chọn vay ngân hàng để thanh toán.

Với nhóm máy ở phân khúc dưới 5 triệu đồng, người mua chọn hình thức trả góp cũng khá lớn. Tại Thế Giới Di Động, 11% người mua máy dưới 4,5 triệu chọn hình thức trả góp; con số này tại CellphoneS là 6%.

“Thay vì phải trả trước một khoản tiền lớn, em chọn chia nhỏ số tiền ra thành 12 tháng cho đỡ “ngán”, mà không phải chịu lãi suất nên em mới mua trả góp”, một bạn trẻ làm việc tại một công ty đa quốc gia nói với ICTnews khi quyết định mua trả góp chiếc smartphone gần 20 triệu đồng.

Trước đây khi nói về xu hướng giá trung bình của điện thoại tăng lên, tức người Việt chi nhiều tiền hơn cho smartphone, ông Võ Lê Tâm Thanh - chuyên viên nghiên cứu thị trường IDC Việt Nam - cho biết nguyên nhân chính là do các chương trình trả góp được phổ biến vào các siêu thị di động.

Tuy nhiên xu hướng trả góp không diễn ra ở tất cả các hệ thống bán lẻ. Ông Mai Triều Nguyên, chủ hệ thống cửa hàng lâu đời Mai Nguyên Luxury, cho biết khách mua hàng tại các cửa hàng của ông chủ yếu thanh toán bằng tiền mặt.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)