Kết quả thử nghiệm cho thấy Internet Explorer 8 Beta 2 vận hành “nặng nề” hơn hẳn “đối thủ” Firefox 3.0.1 và thậm trí là cả “người anh em” Internet Explorer 7.
Cụ thể, ông Craig Barth – Giám đốc công nghệ (CTO) của Devil Mountain Software Inc – cho biết trong quá trình vận hành Internet Explorer 8 Beta 2 “ngốn” một lượng tài nguyên bộ nhớ hệ thống nhiều gấp đôi và chiếm dụng một số lượng “luồng” (thread) xử lý nhiều gấp 6 lần so với “đối thủ” Mozilla Firefox.
Số lượng “luồng” mà IE8 Beta 2 chiếm dụng cũng nhiều hơn gấp 3 lần và “ngốn” tài nguyên bộ nhớ hơn 52% so với “người anh em” Internet Explorer 7.
“IE8 Beta 2 thực sự quá nặng nề. Có thể nói Microsoft đã thổi phồng hơi quá về bản thử nghiệm này,” ông Barth tuyên bố.
Cuộc thử nghiệm
Tham gia vào cuộc thử nghiệm của CTO Barth gồm có Internet Explorer 8 Beta 2, Internet Explorer 7 và Firefox 3.0.1 đều được cài đặt đầy đủ plug-in hỗ trợ Adobe Flash và Microsoft Silverlight. Các website tham gia thử nghiệm là 10 website nặng về nội dung đa phương tiện như boston.com, channel9.com. cnet.com, infoworld.com, nytimes.com …
10 website sẽ được mở trong 10 “thẻ” (Tab) độc lập trong các trình duyệt. Bước tiếp theo là nhiều liên kết trong các wesbite này sẽ được mở sang những thẻ khác. Cuộc thử nghiệm được kéo dài theo một khoảng thời gian nhất định trên cùng một hệ thống PC duy nhất.
Kết quả cho thấy IE8 Beta 2 ngốn tới 380MB tài nguyên RAM trên một hệ thống PC chạy Windows Vista được trang bị tới 2GB RAM. Trong khi đó, IE7 chỉ “ngốn” khoảng 250MB và Firefox 3.0.1 là 159MB. Thử nghiệm trên hệ thống tương tự chạy Windows XP thì thấy lượng bộ nhớ mà các trình duyệt này tiêu tốn có giảm bớt đi chút ít nhưng IE8 Beta 2 vẫn là “kẻ phàm ăn nhất”.
Về số lượng “luồng” xử lý bị chiếm dụng, trong quá trình thử nghiệm với 10 website nói trên, IE7 chỉ chiếm khoảng 65 luồng. Firefox 3.0.1 gây nhạc nhiên khi chỉ chiếm có đúng 29 “luồng”. Trong khi đó, IE8 Beta 2 gây sửng sốt bằng con số 171 “luồng”.
Ông Barth khẳng định nếu trình duyệt chiếm dụng quá nhiều “luồng” sẽ gây khó khăn cho hệ điều hành trong quá trình quản lý một số lượng “luồng” lớn đến như thế, gây áp lực lên chip vi xử lý và ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ vận hành của trình duyệt và hệ thống.
Tuy nhiên, đối với các hệ thống sử dụng chip đa nhân thì việc chiếm dụng nhiều luồng không gây ảnh hưởng thực sự rõ rệt như trên các PC chip đơn nhân.
Có một điểm sáng đối với IE8 trong cuộc thử nghiệm lần này chính là về khía cạnh tỉ lệ chiếm dụng tài nguyên chip vi xử lý. Tính trung bình Firefox chiếm dụng tới 33% năng lực chip vi xử lý đối với hệ thống chạy Windows XP và 48% trên PC chạy Windows Vista. Con số của IE7 là 13% và 24%. IE8 Beta 2 lại chỉ chiếm dụng 22% và 33%.
Ông Barth cho rằng sở dĩ Firefox chiếm dụng nhiều năng lực xử lý của hệ thống như thế là bởi trình duyệt này được trang bị “một động cơ tái hiện hiệu quả hơn”. Firefox chiếm dụng ít “luồng” nhưng lấy nhiều năng lực xử lý của hệ thống là nhằm đến mục đích tăng cường hiệu suất vận hành.
“Nặng nề” là có mục đích
CTO Barth cho rằng việc thiết kế IE8 Beta 2 “nặng nề” dường như là mục đích của Microsoft. “Nếu một ứng dụng đa luồng (multithread application) được thiết kế tốt và vận hành hiệu quả trên các hệ thống sử dụng chip đa nhân thì người dùng sẽ được lợi hơn rất nhiều. Tôi cho rằng IE8 muốn nhắm đến các hệ thống sử dụng phần cứng thế hệ kế tiếp”.
Nhưng đây lại là một tin không hề mấy vui vẻ đối với những đang phải sử dụng các hệ thống sử dụng chip đơn nhân. Đối với những hệ thống như thế này để có thể sử dụng được IE8 thực sự sẽ là một vấn đề tương đối khó khăn. Người dùng có thể sẽ phải đánh đổi tốc độ hiệu suất vận hành để được sử dụng công nghệ mới của Microsoft.
“Theo tôi, Microsoft nghĩ rằng tương lai giá bán phần cứng thế hệ kế tiếp sẽ giảm đi khá nhiều tương tự như những gì đã xảy ra với Windows Vista. Đồng nghĩa với việc người dùng sẽ dễ dàng đầu tư một hệ thống mới để được sử dụng công nghệ mới”.
Nặng là vì chưa hoàn thiện
CTO Barth khẳng định kết quả thử nghiệm trên đây chỉ nhằm mục đích tham khảo bởi IE8 hiện vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm chứ chưa phải là phiên bản chính thức. “Tôi chắc chắn là trong tương lai Microsoft sẽ áp dụng những biện pháp nhằm tối ưu hóa khả năng vận hành của trình duyệt. Rất có thể đó sẽ là những cải tiến trong nền tảng cơ bản của trình duyệt. Chúng tay hãy cùng chờ đợi phiên bản chính thức IE8”.
Bản thân Microsoft cũng khẳng định hãng đã áp dụng khá nhiều biện pháp nhằm tăng cường hiệu suất vận hành cho IE8. Trong một bài viết trên trang blog chính thức của nhóm phát triển IE8, Christian Stockwell – một giám đốc quản lý sản phẩm của Microsoft – cho biết hãng đã xử lý tới hơn 400 lỗi rò rỉ bộ nhớ khác nhau trong IE8 Beta 2.
James Pratt – một giám đốc quản lý sản phẩm khác của Microsoft – trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây cũng đã lên tiếng khẳng định. “Microsoft đã áp dụng nhiều biện pháp để tăng cường hiệu suất vận hành cho động cơ xử lý Javascript. Chính xác mục tiêu của chúng tôi là chú trọng đến tất cả mọi mặt gồm hiệu suất vận hành và năng suất sử dụng”.
Microsoft lại khẳng định IE8 Beta 2 “đã hoàn thiện về mặt tính năng”. Điều này đồng nghĩa với việc hãng sẽ không bổ sung thêm bất kỳ tính năng nào nữa cho trình duyệt này. Bên cạnh đó, hãng cũng từ chối tiết lộ lộ trình sẽ tung ra phiên bản thử nghiệm kế tiếp cũng như phiên bản chính thức. Microsoft chỉ lấp lửng nói rằng IE8 sẽ ra mắt trước phiên bản kế tiếp hệ điều hành Windows không lâu.
(Theo Vnmedia/Computerworld, PCW, Techworld)
Bình luận
Giờ này còn có người chạy Windows Vista trên CPU đơn nhân à Hơn nữa giữa Fx 3.0, IE7 và IE8 thì chỉ có IE8 sử dụng các process riêng cho các tab mà thôi.