Điện thoại di động có gây nguy hiểm đến sức khỏe con người hay không tiếp tục là vấn đề gây tranh cãi giữa các giới nghiên cứu trong suốt những năm qua. Không biết hậu quả ra sao nhưng Bộ Y tế Công cộng California đã khuyến cáo mọi người cẩn thận trước ảnh hưởng của bức xạ điện thoại.
Có vẻ như những khuyến nghị trên là quá mức cần thiết nhưng trong thực tế nó xuất phát từ vụ kiện được một giáo sư ở Đại học California Berkeley mang tên Joel Moskowitz đưa ra vào năm 2009.
Moskowitz tuyên bố rằng Bộ Y tế đã đánh giá thấp nguy cơ bức xạ từ điện thoại di động và công chúng nên biết họ đang chống lại điều gì. Ông Moskowitz đã thắng kiện vào năm ngoái, do đó Bộ Y tế California đã buộc phải cập nhật các hướng dẫn về bức xạ điện thoại của họ.
Phát ngôn viên của Bộ Y tế California, tiến sĩ Karen Smith, nêu trong tuyên bố rằng: “Chúng tôi nhận ra rằng có rất nhiều người trong số chúng ta có những lo ngại về điện thoại di động và liệu sử dụng điện thoại di động có an toàn hay không? Tốt nhất bạn nên giữ điện thoại di động ở khoảng cách xa cơ thể nếu cần và cũng không nên mang điện thoại trong túi quần. Hãy đặt nó trong túi xách hoặc tốt nhất là không mang nó bên mình”.
Nhiều nghiên cứu khác nhau cho thấy việc sử dụng điện thoại di động kéo dài có nguy cơ bị nhức đầu, khối u, lượng tinh trùng thấp, hoặc nói chung là ảnh hưởng đến trí nhơ, thính giác và giấc ngủ ban đêm bị quấy rầy.
Đáng chú ý khuyến cáo từ Bộ Y tế California không đề cập rõ đến tác hại của bức xạ điện thoại về căn bệnh ung thư. Về cơ bản, người sử dụng điện thoại nên tránh mang điện thoại bên mình mọi lúc mọi nơi, theo cách nào hay cách khác.
Theo Dân Việt. Nguồn Forbes.
Bình luận