Các công nghệ này sẽ giúp smartphone trở thành thiết bị hoàn hảo hơn trong năm tới. Và quan trọng hơn, chúng còn xuất hiện trên cả smartphone bình dân.
Màn hình 18:9
Thông thường, smartphone có định dạng màn hình 16:9. Đây là tỉ lệ chuẩn cho TV màn hình lớn và phim ảnh trong rạp. Và tất nhiên khi mang định dạng này lên smartphone, mục đích chính là tăng thêm trải nghiệm giải trí.
Trong khi đó, một số smartphone năm nay lại có tỉ lệ màn hình rất lạ: 18:9.
Bắt đầu từ LG G6 sử dụng màn hình 5,7 inch, độ phân giải 2.880 x 1.440 pixel và có tỉ lệ màn hình 18:9. LG gọi định dạng này là FullVision, ý nói màn hình điện thoại sẽ cho tầm quan sát toàn diện.
Thực tế, kích cỡ G6 nhỏ hơn LG V20 một chút dù cả hai đều được trang bị màn hình 5,7 inch.
Chỉ vài tuần sau đó, Samsung tung ra hai mẫu smartphone Galaxy S8 và S8 Plus đều có tỉ lệ màn hình 18,5:9. Công nghệ màn hình vô cực (Infinity Display) này giúp tăng tối đa không gian màn hình và làm mỏng cạnh viền.
Chuẩn màn hình 18:9 còn xuất hiện trên nhiều sản phẩm như Samsung Galaxy Note 8, LG V30, OnePlus 5T…
Ngay cả Google cũng sử dụng chuẩn màn hình này cho chiếc Pixel 2 XL 6 inch. Apple thậm chí đi xa hơn với iPhone X có thiết kế màn hình tràn cạnh. Màn hình 5,8 inch của iPhone X đạt tỉ lệ tới 19,5:9.
Do là định dạng mới nên nhiều nội dung chưa phù hợp với chuẩn 18:9. Các nội dung dùng chuẩn 16:9 sẽ bị kéo giãn khi hiển thị trên định dạng 18:9.
Dự báo, chuẩn 18:9 sẽ phổ biến hơn trong năm 2018 và xuất hiện nhiều hơn trên các mẫu smartphone tầm trung hoặc bình dân.
Chơi game mượt hơn với màn hình smartphone 120 Hz
Một trong những cải tiến quan trọng của màn hình smartphone năm 2017 là tỉ lệ làm tươi khung hình (refresh rate) 120 Hz, thay cho tỉ lệ 60 Hz thông thường.
Smartphone điển hình ứng dụng công nghệ này là Razer Phone ra mắt đầu tháng 11, và một số mẫu điện thoại Aquos của Sharp.
Về lí thuyết, nếu màn hình smartphone có tỉ lệ refresh cao hơn, khả năng hiển thị hình ảnh sẽ mượt mà và rõ nét hơn khi kéo trang.
Hãng sản xuất Razer thậm chí còn phát triển cả công nghệ mang tên Ultra Motion, có khả năng đồng bộ với vi xử lí đồ họa smartphone để thay đổi tỉ lệ refresh tùy thuộc vào nội dung đang chạy trên thiết bị. Tính năng này rất có ích khi người dùng chơi game trên smartphone.
Năm 2018 sẽ có nhiều smartphone hỗ trợ trải nghiệm thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR). Sẽ có thiết bị đeo thực tế ảo độc lập sử dụng phần cứng smartphone và chạy các game Android.
Tỉ lệ fresh khung hình cao hơn sẽ giúp ứng dụng VR và AR chạy mượt mà hơn với độ trễ thấp hơn.
eSIM
Smartphone có cao cấp đến đâu cũng không thể thiếu chiếc thẻ SIM thông thường, bởi chỉ có nó chiếc smartphone mới mang đúng nghĩa điện thoại di động.
Nếu bạn mua smartphone bản mở khóa mạng từ Amazon hoặc tặng chiếc điện thoại cũ cho bạn bè hoặc người thân trong gia đình, vẫn cần chiếc thẻ SIM nhỏ bé để thiết bị có thể hòa mạng di động.
Năm 2017, người dùng được chứng kiến cuộc cách mạng giúp loại bỏ công nghệ cũ kĩ này. Google Pixel 2 và Pixel 2 XL là hai mẫu smartphone đầu tiên hỗ trợ công nghệ eSIM mới.
Kết với hợp thẻ SIM thông thường, eSIM cho phép điện thoại có thể chuyển đổi nhà mạng thông qua ứng dụng phần mềm trên máy.
eSIM không chỉ hữu ích cho những người mua điện thoại bản mở khóa hoặc tặng điện thoại cũ cho người quen, mà còn rất tiện lợi cho khách du lịch quốc tế - họ sẽ không cần thêm thẻ SIM phụ để gọi điện và kết nối với mạng dữ liệu di động tại các quốc gia đó.
Hiện tại, eSIM mới chỉ được hỗ trợ trên hai mẫu điện thoại Pixel 2 và Pixel 2 XL nếu người dùng đăng kí gói dịch vụ Project Fi của Google.
Với thực tế Google đang bổ sung eSIM cho nhiều mẫu smartphone Android cao cấp, nhà mạng và các nhà sản xuất khác sẽ có thêm động lực hỗ trợ công nghệ thẻ SIM mới nhất này.
Dự báo năm 2018 sẽ có thêm nhiều mẫu smartphone trang bị cả nano SIM và eSIM. Hi vọng chỉ vài năm nữa, thẻ SIM thường hiện nay sẽ lui vào dĩ vãng.
Theo Zing.
Bình luận